Một số tạp chất dùng để trộn vào hạt tiêu trước khi đưa ra thị trường.
Cụ thể, giữa năm 2015, sau khi tìm hiểu và biết được việc có một số người trộn tạp chất (gồm vỏ cà phê lẫn sỏi đá màu đen, là phế thải sau thu hoạch và sơ chế cà phê) vào hạt tiêu để bán. Họ thấy lợi nhuận khủng từ việc này, thuê người làm tạp chất để trộn vào. Đặc biệt để tạp chất có màu như hạt tiêu thật, họ còn mua pin Con Ó về nhuộm. Trong suốt 3 năm qua, hành vi này mới bị phát hiện. Hiện TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt 5 bị cáo các mức án từ 7-8 năm tù.
Trước đó, một tiểu thương ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức bị bắt quả tang đang ngâm rửa củ cải bằng chất cấm. Vật chứng thu được là hơn 3 tấn củ cải đã rửa tạp chất để sáng bóng và lâu hư. Mỗi ngày, cơ sở này dùng hóa chất ngâm 7-8 tấn củ cải bán cho khách, thu lợi từ 3,5 - 4 triệu đồng. Loại chất tẩy này nếu thường xuyên nạp vào cơ thể, có thể tích tụ gây ung thư. Dư luận phẫn nộ! TAND quận Thủ Đức tuyên phạt chủ cơ sở 18 tháng tù, TAND TPHCM xử phúc thẩm hồi tháng 3/2020, tuyên y án.
Theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định 5 nhóm hành vi, trong đó, chỉ cần sử dụng chất biết rõ là bị cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép sử dụng là đã bị xử lý về tội này. Tùy thuộc vào giá trị sản phẩm gây độc hại, số lượng người bị ngộ độc hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể mà người thực hiện hành vi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức phạt gồm có phạt tiền (cao nhất là 500 triệu đồng) hoặc phạt tù (cao nhất là 20 năm). Dư luận lên án mạnh mẽ những hành vi sản xuất, buôn bán “thực phẩm bẩn”, coi đây là tội ác khó dung thứ. Không thể vì lợi nhuận mà bất chấp an toàn sức khỏe, tính mạng của người khác…
Thùy Linh