Cụ thể, nhằm thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, tỉnh Cà Mau đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả của tỉnh được 1.249,19 ha, đạt 78,36% chỉ tiêu.
Trong đó chuyển sang trồng cây lâu năm (chuối, tràm, keo lai, dừa) 113 ha, đạt 56% chỉ tiêu được giao; chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm kết hợp trồng lúa) 1.136,19 ha, đạt 97,53% chỉ tiêu được giao.
Được biết, qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, lâu năm, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, có lợi nhuận từ 22 triệu đồng đến hơn 50 triệu đồng/ha so với sản xuất 01 vụ lúa.
Do đó, theo kế hoạch năm 2022, tỉnh Cà Mau sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả với tổng diện tích khoảng 1.959,38 ha. Trong đó, chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 128 ha, chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 1.831,38 ha.
Bên cạnh đó, các địa phương kiến nghị: tỉnh đầu tư hệ thống thủy lợi, tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho nông dân vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; cần thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2022 theo kế hoạch.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đề nghị các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau rà soát, đối chiếu lại vùng đất trồng lúa kém hiệu quả của địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đúng quy định của pháp luật; tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của tỉnh Cà Mau.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả và kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để tạo ra vùng sản xuất lớn, tạo nguồn sản phẩm phục vụ thị trường, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đặc biệt không bị xâm nhập mặn vào vùng sản xuất lân cận; không làm hư hỏng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất, nhất là phải có sự đồng thuận của người dân tại địa phương…
Đồng thời, góp phần nâng cao năng suất trong sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập và đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022.
PV