Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, nội dung thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau nêu rõ: Theo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, việc đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý chất thải là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân.

Đồng thời, phù hợp với nhu cầu, khả năng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải phải tính đến công suất, vị trí đầu tư và lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng các nhà máy xử lý chất thải; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý các chủ đầu tư thực hiện không đúng chủ trương đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, rà soát quy hoạch, kịp thời xử lý, thu hồi dự án theo quy định đối với các dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải đã có chủ trương đầu tư, nhưng đến nay chưa thực hiện, thực hiện chậm so kế hoạch hoặc thực hiện không đảm bảo theo quy định. Việc xác định vị trí để đặt các nhà máy xử lý chất thải phải cân nhắc, tính quy hoạch theo từng vùng, tùng khu vực một cách phù hợp; ưu tiên đặt nhà máy xử lý chất thải ở gần các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị lớn để đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải nhiều và thuận tiện trong việc thu gom, vận chuyển gần.

Việc thu gom, chất thải từ các địa phương về nhà máy xử lý đối với các xã địa bàn vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn trong quản lý, chi phí vận chuyển. Do đó, cần chỉ đạo UBND các huyện khi lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cần tính toán vị trí phù hợp để xây dựng nhà máy xử lý, lò đốt với quy mô phù hợp từng xã hoặc cụm liên xã, từ đó mời gọi đầu tư thực hiện.

Song song đó, lựa chọn công nghệ tiên tiến để đảm bảo xử lý chất thải một cách triệt để, giảm thiểu tối đa tỷ lệ chôn lấp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng, tái sử dụng chất thải vào việc làm điện, phân bón và các nguyên liệu để sản xuất ra các mặt hàng khác và lựa chọn công nghệ sử dụng ít diện tích đất. Chỉ đạo rà soát lượng chất thải trong toàn tỉnh, nhất là tại các khu đô thị, khu tập trung đông dân cư, cụm dân cư nông thôn để tổng hợp lượng chất thải một cách chính xác nhất; trên cơ sở đó, tính toán việc thực hiện đầu tư các nhà máy xử lý với công suất phù hợp, tránh lãng phí.

Đáng chú ý, phải tính đến tỷ lệ, mức độ đầu tư phù hợp để điều tiết chất thải từ nhà máy này sang nhà máy khác khi phát sinh các sự cố hoặc ngừng hoạt động để duy tu, bảo dưỡng định kỳ, tránh ứ đọng chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất kế hoạch về tuyên truyền, vận động, quy định trong việc thu gom, phân loại chất thải tại nguồn ở từng hộ gia đình, cá nhân và tổ chức mạng lưới thu gom chất thải phù hợp để người dân không thải ra môi trường; trường hợp cần thiết báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (theo thẩm quyền) ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách, chế tài thực hiện và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt, việc đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phải được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất theo dây chuyền để xử lý triệt để nguồn chất thải và phải thực hiện trên cơ sở chủ trương xã hội hóa là chính; cơ chế xác định giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thực hiện theo quy định của pháp luật.

PV