Trong tuần 36/2023, cả nước ghi nhận 4.324 trường hợp mắc tay chân miệng, 1 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk. So với tuần trước (3.621/0) số mắc tăng 19,4%. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 80.747 trường hợp mắc; 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (47.896/3), số mắc tăng 68,6%, tử vong tăng 18 trường hợp.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch tay chân miệng, đặc biệt vào đầu năm học mới khi trẻ quay lại trường học.

Đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 80.700 ca mắc tay chân miệng, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, cả số mắc và tử vong đều tăng.
Đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 80.700 ca mắc tay chân miệng, 21 trường hợp tử vong (Ảnh minh họa)

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh và gửi cho tất cả địa phương trên toàn quốc để từ đó các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn. Do đang là thời gian năm học mới nên có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học, đặc biệt là cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt những biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng...

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng Enterovirus 71 thường gây bệnh cảnh nặng và có thể tử vong. Bác sĩ khuyến cáo do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời. 

Các chuyên gia khuyến cáo, đối với bệnh tay chân miệng, cần quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn, cùng đó luôn giữ tay sạch cho trẻ; đối với người trông trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch.

Kim Khánh