Theo báo cáo, trong tuần qua, TP. Hồ Chí Minh có 2.145 ca bệnh tay chân miệng được ghi nhận. Các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao, gồm quận Bình Tân, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 19/8, TP. Hồ Chí Minh có tổng cộng 20.116 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong.

Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều 330 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có 329 ca mắc có độ tuổi dưới 6 tuổi (99,6%). Trong đó, có 31 ca nặng, gồm 17 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 9 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, 2 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, 3 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Theo nhận định, nếu so với số ca mắc bệnh tay chân miệng của trung bình 4 tuần trước thì tốc độ gia tăng số ca mắc bệnh đang có xu hướng tăng chậm lại. Các biện pháp phòng chống dịch vẫn đang được các UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức tăng cường thực hiện, gồm: giám sát, điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng; đặc biệt chú trọng phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường giám sát những hoạt động phòng chống tay chân miệng tại cộng đồng, các trường học, trường mầm non công lập, tư thục và nhóm trẻ trên địa bàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, khuyến cáo cộng đồng về phòng chống dịch tay chân miệng.

Đồng thời đề nghị, các trường học cần triển khai thực hiện 4 nội dung: tổ chức giám sát, phát hiện, báo cáo ca nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh trong trường học; đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học; tăng cường tự kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng chống dịch bệnh.

Ngành y tế cũng khuyến cáo, tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh, đe dọa tính mạng của trẻ. Do đó, phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, gồm: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày; khi trẻ mắc bệnh hãy đến bệnh viện khám và điều trị.

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết

Trong tuần qua, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 350 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 19,1% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm Quận 1, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.

Tính từ đầu năm 2023 đến 19/8, TP. Hồ Chí Minh có 10.847 ca mắc sốt xuất huyết.

Hiện tại, các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh có 224 ca sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện (141 ca có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh), trong đó có 111 ca là người lớn (có 3 ca phụ nữ mang thai), 113 ca trẻ em.

Hoàng Bách