![Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/06/23/phanbon-1655990441.jpg)
Theo đó, từ đầu năm đến nay, thị trường giá phân bón cả nước tăng cao, nguyên nhân chính là do giá xăng, dầu tăng và nhiều nguyên liệu, hóa chất khác để sản xuất phân bón, chi phí logistics, nhân công đều tăng.
Tại Thanh Hoá, trung bình hàng năm nhu cầu sử dụng phân bón của bà con nông dân dao động từ 450.000 đến 500.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh có 19 đơn vị vừa sản xuất, vừa kinh doanh, với tổng lượng sản xuất đạt khoảng 250.000 đến 300.000 tấn/năm, đáp ứng 55% nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân trên địa bàn.
Trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất, cung ứng ra thị trường với giá tốt nhất, phục vụ nhu cầu chăm sóc cây trồng của bà con nông dân. Như: Cải tạo, bố trí hợp lý dây chuyền sản xuất từ đó giảm thiểu việc tiêu hao nguyên liệu trong quá trình vận hành, chủ động nguồn nguyên liệu có sẵn để giúp giá thành phân bón.
Tại Nhà máy Dinh dưỡng giống cây trồng Tiến Nông (thị xã Bỉm Sơn) để giảm chi phí, nhà máy đã nghiên cứu, áp dụng giải pháp công nghệ vào quá trình sản xuất. Đơn cử như, nhà máy đã cải tạo, bố trí các vị trí thông hơi hợp lý, chống thất thoát hơi, từ đó giảm thiểu việc tiêu hao nguyên liệu trong quá trình vận hành.
Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị lựa chọn giải pháp sử dụng một số chế phẩm vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm phân bón đạt chất lượng, giúp tăng hiệu quả và tiết kiệm việc sử dụng từ 20 đến 30% so với các loại phân bón thông thường, mà giá thành lại tương đương.
Việc lựa chọn giải pháp thích ứng trong tình hình mới, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thích nghi để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh phân bón.
Lê Nam