Tại hội nghị công tác kiểm soát ma túy, tiền chất ngành hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, thời gian qua, lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan hàng hóa, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu như sử dụng khai báo hải quan điện tử (VNACCS/VCIS), áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, miễn kiểm tra thực tế hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh để cất giấu ma túy trong hàng hóa, phương tiện đưa vào, ra lãnh thổ Việt Nam.

Phân tích kết quả bắt giữ cho thấy, các đối tượng vận chuyển thường ngụy trang, cất giấu ma tuý trong hàng hoá, cất giấu ma túy lẫn với hàng hóa đựng trong các container, trộn ma túy lẫn vào hàng nông sản như chè, cà phê…

Các đối tượng lợi dụng thông thoáng thủ tục hải quan để vận chuyển ma túy - Hình 1

Lợi dụng thông thoáng thủ tục hải quan để vận chuyển ma túy (Ảnh minh họa)

Đối với loại hình quá cảnh, tội phạm ma túy thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa nhằm qua mặt các lực lượng chức năng.

Đối với loại hình tạm nhập -tái xuất, thời gian gần đây, các đường dây ổ nhóm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia tiếp tục vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới bằng các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, biến Việt Nam thành địa bàn trung chuyển các loại ma túy mới.

Đối với hàng hóa gửi theo đường chuyển phát nhanh, do hàng hóa không đi theo người nên bọn tội phạm lợi dụng phương thức này để vận chuyển ma túy, tiền chất với thủ đoạn như khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng, khai báo sai tên hàng, pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến như  bánh kẹo, thuốc lá, chè khô, cà phê, mắm tôm, dầu gió và các loại bột…

Ngành hải quan đã nhận diện được thủ đoạn của bọn tội phạm ma túy, vì vậy đấu tranh chống buôn lậu ma túy phải đảm bảo kiểm soát gắn liền với tạo thuận lợi. Đây là một thách thức, khó khăn cho lực lượng phòng, chống ma túy.

Phó Tổng cục trưởng trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình lưu ý Cục Điều tra chống buôn lậu, hải quan các tỉnh, thành phố cần tập trung đánh giá lại các kế hoạch phòng chống ma túy, kế hoạch chuyên án, kế hoạch phối hợp trong và ngoài ngành trong công tác phòng chống ma túy và đánh giá kết quả kiểm soát ma túy những năm vừa qua để công tác phòng chống ma túy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Song song đó, lực lượng hải quan cần rà soát lại công tác kiểm soát tiền chất vì đây là một trong nhiệm vụ hết sức khó khăn, liên quan đến nhiều bộ ngành như Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Cục Hóa chất (Bộ Công thương). Và một biện pháp hữu hiệu nữa là cần phải sử dụng chó nghiệp vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu, hải quan các tỉnh, thành phố cần bàn bạc, thảo luận tại hội nghị cũng như đánh giá mặt được và chưa được để việc sử dụng chó nghiệp vụ phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, ngành Hải quan cần tăng cường phối hợp hơn nữa với lực lượng công an trong chia sẻ và xử lý dữ liệu thông tin để kiểm soát, chống ma túy đạt hiệu quả.

M. Anh