Về thị trường xuất khẩu:

Bộ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu...); mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: thị trường các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc.

Tích cực triển khai chủ động, hiệu quả các FTAs, nhất là CPTPP, EVFTA và các Hiệp định song phương với các nước. Thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.

Phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Bộ cũng đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước với các giải pháp sau:

Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước, triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng dư thừa, giảm giá gây thiệt hại cho người sản xuất; Dự báo và phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản chính vụ; Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; phối hợp tổ chức kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, các sàn thương mại điện tử (Postmart, Shopee, Tiki, Lazada, Tiktok, Zalo…); Tổ chức các Diễn đàn “hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản”.

Phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng. Nâng cao hiệu quả truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp: Phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản, qua đó điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống.

Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian.

Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, xây dựng mã định danh, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phối hợp kiểm tra, kiểm soát giá, tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất. Đồng thời, khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp; tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô và tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản.

Minh Anh