Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 01/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP.
Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 2, Điều 1 Nghị định số 01/2022/NĐ-CP về lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.
Cụ thể, theo Nghị định số 01/2022/NĐ-CP, lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt thực hiện như sau: Các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 01/01/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025.
Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 01/01/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.
Lộ trình trên được Nghị định 91/2023/NĐ-CP sửa đổi như sau: Các phương tiện hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định này được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt nhằm hỗ trợ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện khó khăn không có nguồn vốn đầu tư, tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt sắp hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn, cần có giải pháp tháo gỡ theo hướng kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
Về thời gian kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, tháng 10/2025 trình dự thảo để Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2027.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, trong đó có định hướng sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt. Vì vậy, thời gian đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đến 2030 khi Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực thi hành được 03 năm để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có thời gian thích ứng với quy định mới.
Bên cạnh đó, Nghị định 91/2023/NĐ-CP cũng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang từ Bộ Giao thông vận tải về Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện.
Cụ thể, đối với đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/giờ giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp IV trở xuống (Điều 12 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP), thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang được quy định như sau: Cục Đường sắt Việt Nam đối với đường ngang xây dựng trên đường sắt quốc gia, đường ngang công cộng xây dựng trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ. Theo quy định cũ, thẩm quyền này là do Bộ Giao thông vận tải thực hiện.
Phương Thảo (t/h)