Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thu hút và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài thời gian qua còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó, có những hạn chế liên quan đến các thủ tục hành chính về đầu tư – kinh doanh.
Quản lý kiểu “tiền đăng, hậu kiểm”
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài (ĐTNN), nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy mạnh việc rà soát, đánh giá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, nhất là những vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư quy định tại Luật DN, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan khác, trên cơ sở đó hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư – kinh doanh.
Nghiên cứu của Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, xu thế quản lý ĐTNN của thế giới lúc đầu cấp phép thì rất thoáng, nhưng sau cấp phép thì quản chặt. Trong khi mô hình quản lý ĐTNN của chúng ta thì ngược lại, dè dặt trong việc cấp phép ban đầu, nhưng sau đó thì lại quá lỏng lẻo.
“Chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý. Các bộ, ngành đưa ra những cơ chế - công cụ sau quản lý không nhiều, không sát. Trong khi nhu cầu phát triển của DN quá nhanh, thì chúng ta chưa ra kịp chế tài để xử lý. Lấy ví dụ đơn giản, ở Việt Nam, DN xả thải chất độc ra môi trường, chưa thấy phải đóng cửa. Song tại Mỹ hay nhiều quốc gia khác, các DN xả thải chất độc, gây ô nhiễm môi trường đã phải sạt nghiệp, bị đóng cửa”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN cho biết.
Qua đó, ông Hoàng đề xuất mô hình quản lý ĐTNN: “Ở Việt Nam, công cụ chưa có đủ. “Miệng phễu” không thể loe như nước ngoài, tuy nhiên, cũng cần thông thoáng hơn, sau đó siết chặt quản lý ở khâu sau. Chúng ta đã nói nhiều đến hậu kiểm, cần phải củng cố khâu này, mà để củng cố thì không phải chỉ có Luật Đầu tư mà phải củng cố tất cả các luật khác. Việt Nam không thể thoáng như các nước, nhưng khâu cấp phép cần phải được thoáng hơn hiện nay”.
DN nước ngoài cần có quy định riêng
Trao đổi về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi (chỉ áp dụng đối với dự án và ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đối với dự án khác thì không cấp giấy này trừ trường hợp nhà đầu tư đề nghị), GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết: Một số nhà đầu tư và DN không coi việc sửa đổi này là tạo thuận lợi cho họ vì giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở pháp lý để làm các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư như cấp đất, xây dựng, môi trường… Hơn nữa, trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của nhiều địa phương còn hạn chế trong việc theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư và DN trong quá trình triển khai dự án thì việc bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thông thường, sẽ không đưa lại hiệu quả cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước.
Cũng theo GS. Nguyễn Mại, việc bỏ quy định ngành nghề trong giấy phép kinh doanh (trừ những ngành kinh doanh có điều kiện), cần được bàn thảo để có cách tiếp cận sát với tình hình thực tế của đất nước. “Liệu rằng, việc bỏ quy định ngành nghề kinh doanh có tạo ra thuận lợi cho DN chân chính hay làm rối thêm quản lý nhà nước?”, GS. Nguyễn Mại đặt câu hỏi.
Đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, ông Mại cũng lưu ý, hiện tượng có khá nhiều DN nhỏ đã được cấp phép, trong khi nước ta cần coi trọng hơn chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cần dành cho DN trong nước dự án đầu tư và phạm vi kinh doanh mà họ có đủ năng lực thực hiện bằng hoặc tốt hơn FDI. Do vậy, nếu không quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập DN FDI mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực thì không biết điều gì sẽ xảy ra khi có biết bao nhiêu khách “du lịch ba lô” sẽ dễ dàng lập DN với dăm ba chục triệu đồng vốn kinh doanh, bởi vì pháp luật không cấm?
Do đó, không thể không có quy định riêng đối với việc người nước ngoài lập DN tại Việt Nam với các thủ tục cần thiết để lựa chọn được nhà đầu tư chân chính, có đủ tiềm lực thực hiện các dự án ưu tiên theo định hướng thu hút FDI của nước ta.
Luật gia Vũ Xuân Tiền: Vấn đề được nhiều người quan tâm là hậu kiểm, thành công đầu tiên của chúng ta là áp dụng phương thức “tiền đăng, hậu kiểm”, nghĩa là trước hết không cần phải kiểm tra gì cả, cứ cho đăng ký. Như vậy thì thời gian để DN thành lập và ra thị trường nhanh, tiến bộ. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tổ chức hậu kiểm tốt thì những sai sót như hiện nay đang xảy ra sẽ vẫn cứ diễn ra. Thí dụ, người thành lập DN vi phạm điều cấm: công chức vẫn tự nhiên ghi tên đăng ký thành lập DN; hay góp vốn nhưng không có vốn mà là góp “vốn ảo”, trụ sở công ty đặt một nơi, nhưng hoạt động ở một nơi, thậm chí có nhiều DN sinh ra chỉ để mua bán hóa đơn. Vì vậy, cần phải siết chặt khâu hậu kiểm. |
Tuyết Hoa