Sau tai nạn thương tâm tại xã Tòng Sành, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai khiến 13 người vô tội ra đi oan ức và hàng chục người vẫn chiến đấu giành giật sự sống , một lần nữa, vấn đề án toàn của xe khách giường nằm lại được đem ra mổ xẻ . Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chỉ đạo, tính tới phương án cấm loại hình phương tiện này hoạt động ở những cung đường đèo dốc quanh co. Tuy nhiên, liệu việc cấm kiểu này có giải quyết được gốc của vấn đề an toàn giao thông (ATGT)?
Doanh nghiệp hoang mang
Ông Nguyễn Lương Sơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Sơn La – xe khách cao cấp Bắc Sơn cho biết, mấy ngày nay, ông và cả công ty đều hết sức hoang mang, lo lắng. Hơn 100 lao động mất việc và 40 xe trung bình 3 tỷ đồng/ chiếc phải bỏ xó nếu quyết định này được thực thi. Vụ tai nạn ở Lào Cai là vô cùng đau xót, nhưng cấm xe giường nằm hoạt động ở miên núi thì cần có sự nghiên cứu cẩn trọng. Nói đường miền núi quanh co thì phải cụ thể độ dốc là bao nhiêu, tâm cua vượt ngưỡng nào mới cấm. Theo ông Sơn, với những đoạn tuyến quanh co, nguy hiểm như từ Lào Cai – Sa Pa, thì không chỉ xe khách giường nằm mà những xe tải trọng lớn, thân xe dài, chở số lượng nhiều cũng nên thận trọng hoặc chỉ cho phép lái xe ở trình độ nhất định mới được phép đi.
Để có một hành trình xe an toàn, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, gồm cả người quản lý và người lái xe. Người quản lý phải tuyển được lái xe có trình độ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, không chộp giật. Người lái phải có kinh nghiệm, am hiểu cung đường, quen chạy miền núi mới được điều khiển xe giường nằm”, Ông Sơn chia sẻ. Sau sáu năm, với hơn 40 xe hoạt động trên tuyến Sơn La – Hà Nội, ông Sơn cho biết, va quẹt nhẹ thì có chứ công ty chưa để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào.
Cùng chung tâm trạng, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải xe khách cho biết nếu quyết định này được thực thi thì chắc chắn phá sản bởi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đi dọc Việt Nam, những tuyến hơn 300 km luôn có rất nhiều đèo dốc. Cấm thì biết mang xe đi đâu? “ người dân có nhu cầu cho nên Bộ GTVT cần rà soát cung đường nào phù hợp thì cho chạy, đoạn đường nào nguy hiểm thì cần cảnh báo, hạn chế tốc độ hoặc cấm hoạt động. Tuy nhiên, tai nạn do con người gây ra là chính chứ không phải phương tiện. Cái cần siết nhất chính là tiêu chuẩn đội ngũ lái xe gường nằm và cả xe ghế ngồi. Tài xế lái ẩu thì xe nào cũng gây tai nạn thảm khốc”, Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô – tô Việt Nam (VATA) bày tỏ.
Cần giải pháp tổng thể
Từ năm 2013 đến nay, cả nước có 22 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan xe giường nằm. Tuy nhiên chỉ 30% số vụ tai nạn xảy ra ở đường đèo núi, còn lại phần lớn xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua miền trung. Nếu chỉ cấm xe giường nằm ở miền núi liệu đã giải quyết được gốc của vấn đề?
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, chưa có vụ tai nạn giao thông nào của ô – tô khách giường nằm có lỗi do kỹ thuật mà chủ yếu do lái xe không tuân thủ các quy định, biển báo, tốc độ… Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Ngoài hạn chế địa hình hoạt động có nguy cơ cao, còn nhiều giải pháp về quản lý phương tiện, con người, hạ tầng. Tới đây Cục Đăng kiểm sẽ siết chặt hơn về kỹ thuật phương tiện, điều kiện an toàn, thiết kế và nghiệm thu xe giường nằm, như quy định có thêm búa phá cửa, tăng cửa thoát hiểm. Số giường trên xe từ 50 có thể giảm còn 25-30 giường và không bố trí tầng trên để hạ thấp trọng tâm xe khi lưu thông, có ghế vừa ngồi vừa nằm thay vì chỉ có giường nằm; hoặc phải kiểm tra kỹ thuật xe sau một hành trình…Tất nhiên, giá vé xe giường nằm có thể tăng cao hơn hiện nay song để đảm bảo an toàn hơn. Ngoài ra cần xử lý nghiêm việc chở hàng trên xe khách, bởi có nhiều xe giường nằm chở đến 10 tấn hàng trong hầm gây mất an toàn.
Vì sao giải pháp nhiều, quy định ngày càng siết chặt hơn mà tai nạn vẫn nghiêm trọng? Theo ông Khuất Việt Hùng, phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia: Nguyên nhân phần nào đó là do ý thức và kinh nghiệm của người lái xe và sự thờ ơ của doanh nghiệp. Cụ thể, trong vụ tai nạn lật xe ở Lào Cai, mặc dù kết luận chính thức còn chờ cơ quan chức năng, nguyên nhân sơ bộ ban đầu được đánh giá là do lái xe chưa có kinh nghiệm đi đường đèo dốc. Thứ hai, đơn thuần là sự va chạm, khi đó đối với xe ô – tô khách mất lái, va vào đường hộ lan, lao xuống vực. Liên quan khă năng cấm xe khách giương nằm hoạt động ở miền núi, ông Hùng cho biết ưu tiên số một là bảo đảm an toàn cho hành khách, nhưng cơ quan chức năng cũng sẽ tính tới các giải pháp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp triển khai.
Trong tháng 9, sau khi có kết luận của Cục Đăng Kiểm, Tổng cục Đường bộ sẽ đưa vào quy hoạch mạng lưới vận tải khách tuyến cố định để quy định rõ, cụ thể tuyến nào, đoạn đường nào xe giường nằm không được hoạt động.
Theo Thời nay