Đáng chú ý, nguồn vốn để đầu tư phát triển mạng sân bay của cả nước cho giai đoạn đến năm 2030 là 400.000 tỷ đồng.
Trong quy hoạch lần này, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 275,9 triệu hành khách và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa.
Được biết, công suất của các sân bay hiện nay mới đạt 95 triệu hành khách/năm, so với mục tiêu quy hoạch là 144 triệu hành khách/năm, đạt 66%; phục vụ vận tải hàng hóa đạt 1 triệu tấn/năm, so với mục tiêu là 2,5 triệu tấn hàng hóa/năm, đạt 40%.
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng hệ thống sân bay giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 95.000 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.900 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách nhà nước hơn 83.100 tỷ đồng), đạt khoảng 60% nhu cầu vốn đầu tư.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, trong 10 năm tới sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội như: Nội Bài và vùng TP. HCM như: sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành; từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 sân bay hiện có, đầu tư 6 sân bay mới (Long Thành, Nà Sản, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết) để nâng tổng số sân bay của cả nước đưa vào khai thác lên 28 sân bay, tổng công suất thiết kế đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách,đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100km.
Theo tính toán, diện tích đất sử dụng dự kiến của quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 20.378 ha, nhu cầu diện tích đất cần bổ sung thêm khoảng 7.970 ha.
Bên cạnh đó, tầm nhìn đến năm 2050, theo quy hoạch, sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP. HCM. Đầu tư đưa vào khai thác các sân bay mới đảm bảo 100% dân số đối với đồng bằng và 95% dân số đối với miền núi có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100km...
Minh Đức