Theo đó, Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung của Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giao thông vận tải trình.

Để sớm phê duyệt Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp, rà soát kỹ, hoàn thiện nội dung và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Quy hoạch phải bảo đảm bám sát các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; cập nhật các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để dự báo cho 5 năm, 10 năm tiếp theo, giúp cho công tác dự báo tốt hơn; có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tính đến các yếu tố văn hóa, phát triển đô thị sân bay trong thời gian trước mắt và lâu dài, có kế thừa, đổi mới và định hướng phát triển.

Đồng thời, nâng cao tính chính xác của việc dự báo, có tính bao quát hơn, có chiều sâu hơn, phát triển nhanh hơn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ mới, của đất nước, sự gia tăng dân số, nhu cầu của thị trường với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tiếp theo; rà soát quy mô, số lượng các cảng hàng không bảo đảm phát triển lâu dài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình để xác định loại hình, quy mô cảng hàng không (quốc tế, quốc nội); rà soát quy mô, công suất của cụm cảng hàng không Đà Nẵng, Chu Lai để phù hợp với không gian phát triển của từng cảng hàng không và khu vực.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải liên hoàn, đồng bộ, kết nối và thúc đẩy các quy hoạch loại hình giao thông vận tải khác, góp phần thúc đẩy, phát triển ngành giao thông vận tải, giảm chi phí logistics, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là kết nối vùng và liên vùng, nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế, có tính đến cân đối vùng miền, khu vực.

Quy hoạch phải gắn kết với công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại; bảo đảm tính lưỡng dụng trong khai thác; phối hợp với Bộ Quốc phòng để thống nhất phương án sử dụng đất cho khai thác lưỡng dụng dân dụng và quân sự tại cảng hàng không, sân bay (trừ những vị trí đất mang tính chiến lược do quân đội quản lý không thể kết hợp) trong quá trình quy hoạch chi tiết mỗi cảng hàng không.

Bên cạnh đó, Quy hoạch phải đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng cường hợp tác công-tư, huy động các nguồn lực của xã hội để thực hiện quy hoạch. Các lĩnh vực quản lý không lưu, cấp phép, quản lý xuất nhập cảnh do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng lộ trình triển khai đầu tư phù hợp theo quy hoạch cho các khoảng thời gian 5 năm, 10 năm và 25 năm; nghiên cứu, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật; xây dựng cơ chế huy động nguồn lực theo đường lối của Đảng về đa sở hữu, kinh tế nhiều thành phần để đầu tư thực hiện cho toàn bộ 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045.

Bảo Lâm