Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang trong tình cảnh gắng gượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, sinh kế của người dân, người lao động. Vị thế, các biện pháp hỗ trợ cần mang tính cấp bách và thiết thực.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam nhận định, doanh nghiệp cần khoảng từ 3 - 6 tháng để phục hồi hoàn toàn trong. Vấn đề cần quan tâm là chính sách hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương như thế nào và ưu tiên hỗ trợ các thành phần kinh tế cùng lúc bị tác động ra sao?... Thậm chí, ngoài việc giãn, hoãn, miễn nợ, hạ lãi suất vốn vay ngân hàng... giá điện, nước, y tế, giáo dục... cũng cần điều chỉnh giảm tối đa chi phí.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão lũ đến nay gây ngập úng khoảng 190.358 ha lúa và 48.720 ha hoa màu; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hỏng, cuốn trôi... thực tế này khiến hàng nghìn nông hộ kiệt quệ. Đây là khu vực quan trọng tạo ra sinh kế bền vững, thu hút lượng lao động, nhiều hộ nghèo tham gia. Do đó, Chính phủ cần phải dành nguồn lực ngân sách lớn để cứu trợ, sau đó là phục hồi sinh kế.
Ông Vũ Huy Khuê, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng cho rằng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ cần được gia hạn nộp thuế, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, miễn tiền chậm nộp, miễn phạt vi phạm hành chính... Các thủ tục, hồ sơ triển khai cần được công khai trên các trang thông tin và hướng dẫn trực tiếp cho người nộp thuế...
Về phía ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký và triển khai gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi bão lũ. Đơn cử, BIDV triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão số 3, với tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng có mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Tiến sỹ Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam đưa ra nhận định: Với những hộ nông dân bị mất trắng tài sản, không còn khả năng trả nợ, Chính phủ cần có quyết sách cấp bù ngân sách cho Ngân hàng Agribank để xóa toàn bộ hoặc một phần nợ cho bà con.
Theo quy định hiện hành, trong tình trạng khẩn cấp, Chính phủ sẽ thực hiện xóa nợ cho người dân. Quy định này có thể xem xét áp dụng cho nhiều trường hợp hiện nay vì họ cũng rơi vào cảnh mất trắng tài sản.
Với doanh nghiệp, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra ý kiến xác thực: Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, có 2 chính sách giống thời kỳ dịch COVID-19 có thể triển khai ngay là tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất.
Các chính sách thuộc Chương trình phục hồi kinh tế thời gian qua được thực hiện tốt, nhưng vẫn còn nhiều gói hỗ trợ triển khai thấp. Đa số doanh nghiệp phản ánh điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ.
Về vĩ mô, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách phân tích: Nhà nước cần nhanh chóng công bố những chính sách miễn, giảm, hoãn thuế đã thực hiện thành công trước đây, để các hộ kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản hay xuất khẩu đều được hưởng, có thêm nguồn lực tái đầu tư, khôi phục sản xuất.
Phía ngân hàng cần sớm đánh giá rủi ro của các khoản vay, khoanh lại các khoản nợ, tạo cơ chế để nhóm đối tượng xác định được thiệt hại được tiếp tục cấp kinh phí hoạt động. Đặc biệt, cần rà soát đánh giá tổng thể các hệ thống cơ sở hạ tầng, kể cả khu vực nông thôn, khu công nghiệp, kết nối hạ tầng giữa các vùng, để có giải pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời, thông suốt về giao thông vận tải, logistics.
PV (t/h)