Theo đó, kế hoạch nhằm triển khai các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Để đạt được mục tiêu, UBND TP. Hồ Chí Minh giao các sở, ngành và UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin của Chương trình tại địa chỉ http://smedx.vn; vận động các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố tham gia tiếp cận, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tại địa chỉ nêu trên và địa chỉ https://dbi.gov.vn; sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số.
Các Sở, ngành, địa phương tổ chức hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số doanh nghiệp để cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu và ứng dụng các nền tảng số để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn các nền tảng số phù hợp giới thiệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số.
Cùng với đó, ký kết thỏa thuận hỗ trợ, hợp tác với các Hiệp hội, doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số xuất sắc để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Giai đoạn này, TP. Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ kinh phí tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố chủ động căn cứ nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu, kinh phí hỗ trợ, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu trình UBND thành phố.
Trong nửa đầu năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả đáng chú ý trong các hoạt động chuyển đổi số, tập trung vào hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Một trong những bước đột phá là ra mắt ứng dụng “Công dân thành phố”, giúp người dân giao dịch với chính quyền một cách hiệu quả và thuận tiện hơn.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất để thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công từ ngày 1/7/2024, tăng cường an toàn và tiện ích cho người dân khi sử dụng các dịch vụ số. Hạ tầng kỹ thuật số cũng được nâng cấp mạnh mẽ với việc kết nối mạng số liệu chuyên dùng đến 100% xã, phường, thị trấn và xóa bỏ 256 điểm lõm sóng, lõm điện, đảm bảo mọi khu vực đều có kết nối internet băng thông rộng.
Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về y tế và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu khác. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức các khóa tập huấn về ứng dụng AI, học hỏi từ các thành phố như: Singapore và Busan để xây dựng thành phố thông minh và bền vững.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã nâng cấp Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 và quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố trên nhiều kênh truyền thông và mạng xã hội, giúp tăng cường thu hút khách du lịch. Những hoạt động này đã giúp TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng thứ hai cả nước về chỉ số chuyển đổi số và tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Hoàng Bách (t/h)