Hồ sơ năng lực “rởm” - trúng thầu tuyến đường huyết mạch
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Cần Thơ, đường tỉnh lộ 922 là tuyến giao thông huyết mạch nối từ quốc lộ 80 từ thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Ô Môn qua huyện Thái Lai và Cờ Đỏ, TP Cần Thơ kết nối với tỉnh Kiên Giang. Hệ thống cầu đường trên dọc tuyến được đầu tư xây dựng từ những năm 90, với nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân giờ đây cầu và đường trên toàn tuyến đã trở lên quá hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Hai cây cầu Rạch Nhum và Rạch Tra quá nhỏ, thường xuyên chở thành “nút thắt” giao thông khi chỉ có một làn xe qua được cầu.
Trước sự cấp bách và giải quyết nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa trên toàn tuyến, tỉnh lộ 922 đã được xây dựng phát triển quy hoạch giao thông đến năm 2020 sẽ nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng, tương đương với đường giao thông chịu tải 30 tấn. Trong đó, thực hiện thi công cầu Rạch Nhum và Rạch Tra là bước quan trọng để đầu tư nâng cấp tuyến đường, nhằm giảm tải và giải quyết việc thường xuyên ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông.
Dự án cầu Rạch Nhum mà Công ty Hòa Lợi trúng thầu nhờ hồ sơ rởm
Từ những nhu cầu thực tế đó, tháng 9/2016 UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu Rạch Nhum và Rạch Tra. Đến tháng 4/2017, hồ sơ mời thầu đã chính thức được phê duyệt và Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam là đơn vị tư vấn và xét chọn nhà thầu. Trong đó, có ba doanh nghiệp tham gia đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ thầu hội đồng xét thầu đã chọn Công ty Hòa Lợi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và là đơn vị trúng thầu thi công xây lắp dự án xây dựng cầu Rạch Nhum và Rạch Tra.
Trước việc lựa chọn nhà thầu thi công dự án cầu Rạch Nhum và Rạch Tra, dư luận đang cho rằng: Hội đồng xét thầu dự án đã bị Công ty Hòa Lợi “qua mặt” khi thắng thầu với nhiều dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ năng lực dự thầu?. Trong đó, có thể thấy được ngay trong bản Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật (HSĐXKT) ngày 26/5/2017 do Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam tư vấn xét thầu đã có nhiều dấu hiệu sai lệch về năng lực tổ chức thi công của Công ty Hòa Lợi. Cụ thể, nhân sự chủ chốt chỉ huy trưởng công trình (một người) là Nguyễn Xuân Sơn, kỹ sư xây dựng cầu đường có thời gian thi công liên tục trên bảy năm, tốt nghiệp đại học năm 1998, có chứng chỉ hành nghề giám sát và hoàn thiện công trình cầu đường…Nhưng trên thực tế, qua tìm hiểu và xác minh từ ông Sơn, được biết ông Sơn đã nghỉ việc tại Công ty Hòa Lợi từ cuối năm 2014. Đặc biệt, trong số nhân sự chủ chốt có 2/3 đội trưởng thi công và một kỹ sư công nghệ điện đã sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả để đưa vào làm năng lực hồ sơ dự thầu công trình cầu Rạch Nhum và Rạch Tra.
Sử dụng bằng giả nổi lo hiểm họa…
Đăng ký hoạt động tại huyện Thời Bình, tỉnh Cà Mau, nhưng những năm gần đây Công ty Hòa Lợi được “nổi lên” với việc trúng thầu, thi công hàng loạt những công trình giao thông, cầu đường có nguồn vốn từ ngân sách lên đến hàng chục tỷ đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng với những gì đang diễn ra thì “dàn” danh sách nhân sự chủ chốt của Công ty Hòa Lợi liệu có là mối họa cho các công trình giao thông, cầu đường mà công ty này trúng thầu và hơn nữa hầu hết các công trình đơn vị này trúng thầu đều là dùng nguồn vốn ngân sách để thực hiện?.
Cầu Rạch Nhum luôn tấp nập người và phương tiện tham gia giao thông
Đối với ba trường hợp là cán bộ chủ chốt nằm trong danh sách dự thầu xây lắp cầu Rạch Nhum và Rạch Tra đã sử dụng bằng giả, cụ thể đối với hai trượng hợp là đội trưởng đội thi công Lưu Bảo Quốc (sinh năm 1979, ngành đào tạo Kỹ sư cầu đường, số hiệu bằng C382703, số vào sổ 408-34 và tốt nghiệp năm 2003), Trường Đại học Giao thông vận tải xác nhận rõ “Tại sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp có số vào sổ 408-34 lớp Cầu đường bộ khóa 34 hệ tại chức tại Hà Nội không có thông tin trùng”; trường hợp Nguyễn Xuân Hải (sinh ngày 05/12/1983) Trường Đại học Xây Dựng đã xác nhận “Trong danh sách sinh viên tốt nghiệp đại học hệ vừa làm vừa học ngành cấp thoát nước năm 2010 không có tên ông Nguyễn Xuân Hải, ngày sinh 05/12/1983”.
Đối với trường hợp Nguyễn Thành Thông, kỹ sư công nghệ điện, bằng tốt nghiệp mang số hiệu 00002378 thì trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xác nhận “Tra cứu xác định không cấp bằng tốt nghiệp đại học được cấp ngày 3/6/2010 có số hiệu bằng 00002378; số vào sổ cấp bằng 1805 hình thức vừa đào tạo vừa làm vừa học ngành Công nghệ kỹ thuật điện cho người mang tên Nguyễn Thành Thông, sinh ngày 5/4/1977”.
Thực tế, trước đó hầu hết những kỹ sư này đều nằm trong danh sách cán bộ chủ chốt được Công ty Hòa Lợi đưa vào năng lực nhà thầu thi công nhiều công trình khác tại vùng ĐBSCL. Trong đó, có các công trình mà Công ty Hòa Lợi trực tiếp đấu thầu và liên danh thực hiện gói thầu phải kể đến gói thầu số 81; thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình ĐT.907 tỉnh Vĩnh Long năm 2013 có trị giá hơn 88,5 tỷ đồng và gói thầu số 1; xây lắp công trình cải tạo, nâng cấp ĐT 908 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp ĐT 908 huyện Long Hồ, Tam Bình và Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Đây là những dự án mang tầm chiến lược, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Không ngừng ở đó, một số hồ sơ đấu thầu khác Công ty Hòa Lợi đã có dấu hiệu khai khống doanh thu tài chính để phù hợp điều kiện dự thầu. Trong một biên bản kê khai năng lực tài chính của nhà thầu Công ty Hòa Lợi ký tháng 12/2014, nhằm đối chứng với các số liệu mà nhà thầu kê khai thì doanh thu năm 2011 là 65,6 tỷ đồng, năm 2012 là 91,1 tỷ đồng và năm 2013 là 120,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong văn bản xác nhận của Chi cục thuế huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau ngày 11/7/2017 thì doanh thu của Công ty Hòa Lợi năm 2011 là 34,1 tỷ đồng, năm 2012 là hơn 43 tỷ đồng và năm 2013 là hơn 65 tỷ đồng.
NHÓM PVĐT