Cách đây không lâu, bé Nguyễn Thị Phương N, 8 tuổi, nhà ở xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được mẹ đưa vào bệnh viện Tiền Giang khám vì quai hàm bên phải sưng to.

Cẩn trọng khi dùng cao dán trị quai bị - Hình 1

Mẹ P kể, em bị bệnh được 2 ngày, kêu đau góc hàm phải, sau đó góc hàm thì từ từ sưng to, nhai cái gì cũng thấy đau, kèm theo sốt, khó chịu. Mẹ em N tưởng em bị nổi nhọt nên mẹ mua cao dán về dán cho em. Mẹ dán cao vào trước và sau tai của N, nhưng em vẫn không hết đau, mà còn sưng thêm nên mới vào bệnh viện.

Bác sỹ khám thấy em tuyến mang tai phải của em sưng to, gỡ các miếng cao dán ra thấy vùng da ở đó đỏ hơn xung quanh. Bác sỹ chẩn đoán em bị quai bị, cho thuốc uống và dặn dò cách chăm sóc bé tại nhà, đồng thời giải thích cho mẹ N không nên dùng cao dán để trị bệnh quai bị nữa.

Cẩn trọng khi dùng cao dán trị quai bị - Hình 2

ảnh minh họa (Internet)

Về chuyên môn, khi, vi rút quai bị xâm nhập vào niêm mạc miệng, mũi, họng, chúng sinh sôi nẩy nở ở đó chừng 15 đến 21 ngày, rồi vi rút đi vào máu gây nên các triệu chứng sốt, mệt mõi. Từ máu vi rút tấn công vào các tuyến nước bọt, hay gặp nhất là tuyến mang tai, tuyến sinh dục, tuỵ, thần kinh... và phát triển, gây nên các triệu chứng viêm cục bộ ở các cơ quan này. Tại các tuyến nước bọt, vi rút gây viêm mô kẽ của tuyến, còn mô hạch bạch huyết xung quanh thì ít bị tổn thương hơn.

Vì bệnh quai bị là do virut nên không có kháng sinh điều trị đặc hiệu. Chỉ điều trị triệu chứng như hạ sốt, dinh dưỡng, súc miệng bằng nước muối 0,9%, nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại trong thời gian còn sốt, còn sưng tuyến mang tai, thường là 7 - 8 ngày đầu. Cách ly tối thiểu 10 ngày bởi bệnh này rất hay lây.

Người dân không cần phải dùng bất cứ thuốc gì như cao dán, dầu, cây lá… để đắp, thoa hoặc dán bên ngoài tuyến mang tai vì nó không có tác dụng, đôi khi còn có hại như làm cho vùng da đó bị kích ứng gây ngứa, đỏ, nổi bóng nước, nhiễm trùng cơ hội…

PV