Theo bác sỹ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM): Trong thời tiết nắng, mồ hôi tiết ra nhiều, đây là cơ hội để vi trùng phát triển mạnh ở da gây ửng đỏ ngứa ngáy, viêm da. Bên cạnh đó, tụ cầu khuẩn gây bệnh lý nhiễm trùng da cũng phát triển. Các ổ vi khuẩn này gây mẩn ngứa, nhiễm trùng da. Chính vì thế, mẩn ngứa, viêm da là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ em khi thời tiết nóng bức.
Chị Nguyễn Bảo Minh (ngụ Long An), đang chăm con tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), cho biết, bé phải nhập viện điều trị 2 ngày nay vì nhiễm trùng huyết.
“Mấy ngày trước, cháu nổi vài mụn ngứa, người mẩn đỏ. Cứ nghĩ là bé bị rôm sảy nên ra tiệm thuốc mua thuốc bôi. Thế nhưng, được 3 ngày thì da con đỏ lên, sưng khắp người. Rồi bé sốt. Đi khám, bác sỹ nói bé bị nhiễm trùng huyết do da viêm da”, chị Minh nói.
Bác sỹ Hoàng cho biết, nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết do viêm da đã được bệnh viện tiếp nhận. Trường hợp nhiễm trùng huyết nặng có thể tử vong.
Trẻ bị rôm sảy, mẩm ngứa nếu không chăm sóc, điều trị đúng cách có thể bị viêm da, nhiễm trùng huyết
“Mẩn ngứa, rôm sảy, viêm da không phải là tình trạng bệnh nặng nhưng lại gây khó chịu, đặc biệt với trẻ nhỏ. Trẻ ngứa ngáy khó chịu nên hay gãi, dẫn đến nhiễm trùng, mụn mủ lan rộng ra. Ban đầu, tình trạng này không nguy hiểm nhiều nhưng không điều trị đúng, nhiễm trùng sâu sẽ gây viêm mô tế bào, vùng da sưng đỏ tấy thì cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ gây nhiễm trùng huyết, tử vong nhanh. Khuẩn tụ cầu đa số kháng thuốc nên rất khó khống chế”, bác sỹ Hoàng giải thích.
Bác sỹ Hoàng khuyến cáo: Khi bé bị nhiễm trùng da, bé sẽ sốt (có thể sốt cao), đỏ da nhiều vùng. Phụ huynh cần cho trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám ngay.
Khi da bé bị bệnh, phụ huynh không nên tắm bằng bất cứ loại nước lá hay nước trái cây nào vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn. Mặt khác, không nên tự ra tiệm thuốc mua thuốc bôi ngoài da cho trẻ vì có thể dùng không đúng thuốc, thuốc chứa corticoid càng gây hại.
“Mùa nắng nóng, để giữ cho da bé khỏe mạnh, cần lau mồ hôi thường xuyên cho bé và chỉ lau mồ hôi cho trẻ bằng khăn khô trước rồi mới lau khăn ướt hoặc tắm. Không nên bôi phấn rôm cho trẻ và cũng không cần thiết dùng các loại kem dưỡng ẩm.
Cách dưỡng ẩm tốt nhất cho trẻ là cho bé ở nơi thoáng mát, mặc quần áo thoáng mát và uống đủ nước. Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ và người chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh môi trường”, bác sỹ Hoàng khuyên.
PV