Dạo quanh các trang bán hàng online với từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện”, người tiêu dùng dễ dàng nhận được hàng loạt sự lựa chọn các thiết bị đa dạng về chủng loại, mẫu mã và giá cả. Các sản phẩm này đi kèm với lời quảng cáo: Thiết kế đơn giản, gọn nhẹ và đặc biệt là siêu tiết kiệm đến 30 - 50% lượng điện năng tiêu thụ. Đặc điểm chung về hình thức của những sản phẩm này là cấu tạo bên ngoài được thiết kế như một chiếc hộp nhỏ bằng nhựa, có đèn báo sáng. Giá cả của các thiết bị thường dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy mẫu. Cách sử dụng cũng được tư vấn là rất đơn giản, người dùng chỉ cần cắm thiết bị vào bất kỳ ổ điện nào trong nhà cũng có thể phát huy hiệu quả.

Các sản phẩm tiết kiệm điện trên thị trường hiện nayCác sản phẩm tiết kiệm điện trên thị trường hiện nay

Sau nhiều trường hợp có hóa đơn tiền điện bất ngờ tăng cao, không ít người dùng điện đã "rỉ tai" nhau về loại thiết bị có thể dùng điện "xả láng" mà không lo về giá. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Huyền (29 tuổi, quê ở Nam Định) là một ví dụ. Vì chồng đang làm việc cho một tập đoàn công nghệ lớn tại khu vực quận Cầu Giấy, nên vợ chồng chị Huyền thuê một phòng trọ tại ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) để chồng an tâm tiếp tục theo đuổi đam mê công việc. Vì là phòng trọ đóng tiền thuê theo tháng nên giá điện nước hàng tháng chị Huyền phải trả theo giá kinh doanh do chủ nhà quyết định, với mức 4.000 kWh (số).

Mặc dù tiền nhà trọ chỉ có 1,5 triệu/tháng nhưng tiền điện thì dao động tới 3,5 -4 triệu/tháng nên chị Huyền đã lên trên mạng đặt mua sản phẩm tiết kiệm điện với giá đắt nhất là 490.000 đồng (đã giảm giá). Thế nhưng, sau 1 tháng sử dụng thì tiền điện nhà tôi dùng vẫn dao động như những tháng trước đó, không hề có một chút tiết kiệm nào.

Chị Thanh Bình nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, vào những ngày đầu hè, tiền điện gia đình chị liên tục tăng từ 200.000-500.000 đồng/tháng. Nghe bạn bè giới thiệu, chị lên các trang mạng tìm mua thiết bị tiết kiệm điện để mong giảm chi phí sinh hoạt của gia đình.

Chị Bình cho biết sau khi tham khảo, chị đã tìm được khá nhiều loại sản phẩm với nội dung quảng cáo là các thiết bị này chỉ cần cắm vào ổ điện là tiết kiệm 25%-50% lượng điện hằng tháng. Để thuyết phục khách hàng, người bán còn đăng tải các video sử dụng thực tế với nội dung chỉ cần cắm thiết bị tiết kiệm vào ổ điện đang sử dụng quạt, đèn… thì ngay lập tức chỉ số điện tiêu thụ đo được qua amphe đã giảm đi một nửa.

“Thấy sản phẩm tiết kiệm điện quảng cáo kiểu “nói có sách, mách có chứng” nên tôi tin ngay và đặt mua hàng. Tuần sau tôi nhận được sản phẩm, giá mua là 285.000 đồng. Tuy nhiên, sau một tháng sử dụng thì tôi thấy hiệu quả không như quảng cáo mà còn phải trả nhiều tiền hơn” - chị Bình nói.

Xem xét cấu tạo hộp tiết kiệm điện, GS-TS Lê Tiến Thường khẳng định đây chỉ là thiết bị điện bình thường. Ảnh: TRÚC PHƯƠNGGS-TS Lê Tiến Thường khẳng định đây chỉ là thiết bị điện bình thường khi xem xét cấu tạo hộp tiết kiệm điện

Theo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), thời gian vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật điện của EVN đã nhiều lần cảnh báo về những loại "thiết bị siêu tiết kiệm điện", "Thẻ tiết kiệm điện thông minh"... Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, "lợi dụng" tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện. Như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Thực tế, theo các chuyên gia, các thiết bị tiết kiệm điện trong lời quảng cáo không đem lại hiệu quả và hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Tụ bù chỉ có tác dụng giảm phần điện năng hao phí do đường dây và phụ tải, góp phần ổn định dòng điện chứ không giảm công suất tiêu thụ như nhiều người lầm tưởng. Các nghiên cứu và thực tế hiện nay chỉ thực hiện tiết kiệm được 1 - 5% lượng điện tiêu thụ. Vì vậy, chỉ một thiết bị với kết cấu vô cùng đơn giản lại có thể tiết kiệm tới 30 - 50% lượng điện tiêu thụ là điều không thể.

Nguyên nhân khiến không ít người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra mua một thiết bị được quảng cáo “thần thánh” đến khó tin như vậy phần lớn xuất phát từ thử nghiệm “thực tế” mà người bán đăng lên. Theo đó, các địa chỉ bán sản phẩm này có kèm theo một video quay hình ảnh đồng hồ đo lượng điện tiêu thụ giảm một nửa ngay khi cắm thiết bị tiết kiệm điện vào ổ song song với sử dụng một thiết bị điện thông thường. Thực chất, đây chỉ là một chiêu trò được thực hiện bằng thủ thuật.

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần cẩn trọng với các sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường, vì phần lớn đây chỉ là thiết bị giảm tổn thất trên hệ thống điện, không nên tin vào những chiêu quảng cáo về thiết bị có thể tiết kiệm điện đến mức cao như vậy.

Hơn nữa, nếu các thiết bị thực sự có tác dụng đến hoạt động công tơ điện có nghĩa là người sử dụng đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Thiên Trường