Để triển khai có hiệu quả, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn có giải pháp để tránh ùn tắc do thí điểm, có sự phối hợp thường xuyên, kịp thời của các đơn vị liên quan; sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thử nghiệm; bố trí cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm, hiểu biết về công nghệ và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc vận hành thí điểm.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cần làm việc cụ thể, chi tiết với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan tại cảng hàng không (nhất là hãng hàng không, Trung tâm An ninh Hàng không Nội Bài) để thống nhất việc thí điểm; Thông báo rõ đối với hành khách về quy trình thí điểm nhận diện hành khách và việc thí điểm là tự nguyện, không bắt buộc hành khách.
Hàng tuần, Cảng có rà soát, đánh giá hiệu quả để kịp thời điều chỉnh nếu cần và trao đổi với Cảng vụ Hàng không miền Bắc về phương án thí điểm để Cảng vụ Hàng không biết, giám sát.
Kết thúc thí điểm, Cảng có tổng kết, đánh giá hiệu quả của phương án mới dựa trên rủi ro an ninh hàng không và tiện lợi đối với hành khách, doanh nghiệp, lấy ý kiến Cảng vụ hàng không và những thành viên Uỷ ban An ninh hàng không cảng hàng không liên quan đối với báo cáo đánh giá hiệu quả của Phương án mới; tổng hợp báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam kết quả thí điểm định kỳ hàng tháng.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Bắc giám sát thực hiện, kịp thời cho ý kiến đối với những bất cập, thiếu sót; báo cáo Cục Hàng không Việt Nam những vấn đề vượt thẩm quyền; Hãng hàng không VietJet, Trung tâm an ninh hàng không Nội Bài tham gia, phối hợp chặt chẽ với Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và các đối tác liên quan thực hiện thí điểm.
Thái Bình (t/h)