Theo ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng phân tích xếp hạng tín nhiệm và thành viên Hội đồng xếp hạng tín nhiệm FiinRatings thì có một số yếu tố mang tính rủi ro cao, nhà đầu tư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần lưu tâm trước khi thực hiện giao dịch.
Thứ nhất, trong khoảng 02 năm gần đây, nhà đầu tư thường chạy theo lãi suất trên thị trường, cũng như tổ chức phát hành. Thứ hai, nhà đầu tư thường sẽ có hành động theo đám đông. Hiệu ứng này hiện nay đang xảy ra, mà không chỉ nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng bán những trái phiếu mà theo chấm điểm sơ bộ của FiinRatings trái phiếu này đang ở mức tốt. Điều này gây ra thiệt hại về kinh tế cho cả trái chủ và tổ chức phát hành.
Ông Khang nhấn mạnh, nhà đầu tư cần nắm bắt được cách ứng xử với trái phiếu khi đã nắm giữ để tránh tổn thất. Khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cần xác định đây không phải sản phẩm tiết kiệm, nên mức độ an toàn sẽ phụ thuộc vào lãi suất, lãi suất càng cao thì rủi ro càng cao.
"Một rủi ro mà tất cả các trái chủ cần quan tâm là rủi ro tín dụng. Đây là rủi ro cốt lõi khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như FiinRatings xét tới khi đánh giá tổ chức phát hành. Chúng tôi không dựa vào các yếu tố như tài sản đảm bảo, bảo lãnh mà dựa hoàn toàn vào yếu tố chính là rủi ro tín dụng, đánh giá năng lực trả nợ của tổ chức phát hành", ông Lê Hồng Khang cho hay.
Nhà đầu tư cần tìm hiểu về lịch sử kinh doanh, lịch sử phát triển cũng như các yếu tố rủi ro tài chính của doanh nghiệp diễn ra trong quá khứ, những thông tin liên quan tới khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp trong quá khứ như thế nào. Mặc dù nó không phải câu trả lời cho hành động của tổ chức phát hành trong tương lai, nhưng nó nói lên hành vi trong quá khứ cũng như hiện tại.
Ngoài rủi ro về tín dụng, rủi ro thứ ba là về thanh khoản. Đây là một trong những rủi ro mà nhà đầu tư phải hiểu rất rõ và trao đổi với các tổ chức phân phối, trong trường hợp có nhu cầu chuyển nhượng thì làm cách nào.
Thứ tư là rủi ro định giá lãi suất. Trong một số trường hợp, lãi suất nhận được không tương xứng với rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải, do không nắm rõ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp; hoặc là lãi suất cao nhưng chưa hiểu rõ rủi ro có thể gặp phải trong quá trình nắm giữ trái phiếu và các nhóm rủi ro khác.
Để hạn chế rủi ro, Trưởng phòng phân tích xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho rằng, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu một số tiêu chí tài chính cơ bản để xem xét và trao đổi với tổ chức phát hành, tổ chức phân phối trước khi tiến hành mua bán trái phiếu.
Đầu tiên là đòn bẩy tài chính. Nhà đầu tư cần xem xét mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, một doanh nghiệp vay nợ nhiều sẽ rủi ro cao hơn doanh nghiệp không vay nợ. Đó là yếu tố đầu tiên cần xem xét, đặc biệt trong môi trường lãi suất biến động mạnh như những tháng gần đây.
"Doanh nghiệp nào có cơ cấu đòn bẩy tài chính lớn phần nào sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi theo chiều hướng lãi suất tăng cao", ông Khang nói.
Thứ hai là khả năng chi trả lãi vay, đây là yếu tố quan trọng phải xem xét. Nếu hệ số này nhỏ hơn 1, tức thu nhập trước lãi suất, thuế và khấu hao chia cho chi phí lãi vay nhỏ hơn 1, nếu điều này diễn ra trong một thời gian dài thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả lãi vay, thậm chí là gốc vay của trái phiếu.
Yếu tố cuối cùng là khả năng chi trả nợ gốc, bởi điều trái chủ quan tâm đó là phải rút về được phần gốc. Để đánh giá, chúng tôi sử dụng hệ số nợ vay tài chính chia cho thu nhập trước lãi vay, khấu hao và thuế để đưa ra tính toán. Thông thường con số này cần được xem xét dựa trên thời gian nợ bình quân của doanh nghiệp.
Để đơn giản hoá vấn đề, theo ông Khang nhà đầu tư có thể hình dung như sau, với 01 doanh nghiệp, nếu cần thời gian 05 năm mới trả được gốc vay trái phiếu, trong khi thời gian trả gốc trái phiếu là 2-3 năm, thì doanh nghiệp này chắc chắn sẽ gặp vấn đề trong việc đáp ứng lịch trả nợ.
Ông Khang nhấn mạnh, đây là 03 yếu tố quan trọng mà bất kỳ nhà đầu tư nào, kể cả chuyên nghiệp và không chuyên cần phải xem xét và nắm rõ.
Bà Nguyễn Thị Hoạt, chuyên gia TCBS cho biết, trái phiếu không phải sản phẩm tiết kiệm. Đầu tư vào trái phiếu là đầu tư có rủi ro, bởi vì bản chất là nhà đầu tư đang cho doanh nghiệp vay. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giúp nhà đầu tư - nhất là nhà đầu tư cá nhân - quản trị rủi ro khi đầu tư trái phiếu?
Chuyên gia Nguyễn Thị Hoạt phân tích 03 điều để giúp nhà đầu tư nhận diện những rủi ro để có tính toán kỹ trước khi thực hiện giao dịch đầu tư.
Thứ nhất, nhà đầu tư phải xác định khẩu vị rủi ro của mình, chấm điểm rủi ro. TCBS có công cụ giúp nhà đầu tư chấm điểm khẩu vị rủi ro, có đánh giá toàn diện về kinh nghiệm đầu tư, hiểu biết tài chính, khả năng chịu rủi ro, mức chấp nhận được tổn thất tài chính.
"Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chấm điểm định kỳ rủi ro của mình và đó cũng là cách giúp chúng tôi đưa ra được sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư hiểu mình và có lựa chọn tốt", bà Hoạt nói.
Thứ hai, nhà đầu tư phải tìm hiểu thông tin, để có thông tin cho nhà đầu tư, yêu cầu có sự công khai minh bạch từ tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn phát hành. Nhà đầu tư có thể tìm thông tin ở đâu, ở trái phiếu niêm yết, trái phiếu phát hành ra công chúng, tuân thủ quy định công bố thông tin, ở doanh nghiệp niêm yết.
Qua các tổ chức tư vấn phát hành chuyên nghiệp, như tại TCBS, nhà đầu tư sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, so sánh doanh nghiệp với cùng nhóm ngành, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, cung cấp tài liệu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Thứ ba, sau khi có thông tin công khai minh bạch, nhà đầu tư phân tích nhận diện rủi ro, kết hợp tìm hiểu thông tin để giảm thiểu rủi ro, lựa chọn danh mục phù hợp, chọn trái phiếu càng công khai minh bạch sẽ càng giảm rủi ro; hoặc chuyển tiếp việc phân tích đánh giá doanh nghiệp thông qua các đơn vị chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ, quỹ mở trái phiếu.
Bà Nguyễn Thị Hoạt nhấn mạnh, nhà đầu tư cần hiểu đúng, hiểu đủ khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mới tránh được tâm lý hoang mang khi có thông tin bất lợi về thị trường và tránh bán tháo trái phiếu - hiện tượng bond run, điều này sẽ làm tổn thất tài chính của nhà đầu tư.
Thạch Thảo (t/h)