Nhu cầu phát hành trái phiếu được giải tỏa, kỳ vọng thanh khoản được cải thiện nhờ hệ thống giao dịch mới

Với nhiều quy định mới, Nghị định 65/2022/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ khó cho các nhà phát hành và khơi thông dòng vốn từ kênh huy động này cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Nghị định 65 đã có những quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Tuy không siết điều kiện chào bán, nhưng Nghị định 65 yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán, phương thức phát hành và bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp. Đơn cử, Nghị định mới đã bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua TPDN riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua TPDN riêng lẻ. Theo đó, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

Về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu, trong đó, một số trường hợp phát hành TPDN phải đảm bảo có kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng. Nghị định mới tuy không siết điều kiện chào bán nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành.

Một quy định mới nữa tại Nghị định 65 góp phần giải tỏa nỗi lo của thị trường là cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ, tuy nhiên, hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn. Quy định này được đánh giá là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Cùng với đó, để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Nghị định đã đưa ra các quy định chặt chẽ, hướng tới việc báo cáo và công bố thông tin minh bạch và rõ ràng. Đơn cử, đối với việc sửa đổi mục đích sử dụng vốn, trái chủ có quyền biểu quyết và tỷ lệ thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành giúp các trái chủ chủ động nắm bắt thông tin về doanh nghiệp và dự án mà mình đang đầu tư.

Cùng với các điểm mới nói trên, Nghị định mới cũng bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ, bổ sung quy định thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức, hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý, giám sát.

Khơi thông kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp

Đánh giá về tác động của việc ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, về phía DN phát hành, việc chính thức ban hành Nghị định 65 mang tính chất khơi thông về mặt pháp lý giúp doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định mới có thể thực hiện phát hành trái phiếu mới. Đối với cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có căn cứ pháp lý để có thể thực hiện xét duyệt các hồ sơ phát hành mới. Theo đó, thị trường TPDN sẽ được khơi thông hơn, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Nghị định 65 cũng có tác động tích cực và rất lớn đối với thị trường TPDN, góp phần giải quyết vấn đề vốn và thúc đẩy sự thay đổi tích cực của DN về minh bạch thông, hạn chế rủi ro của nhà đầu tư...

Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fiin Group, Nghị định 65 được ban hành giúp nhu cầu phát hành trái phiếu được giải tỏa, khối lượng phát hành dự kiến sẽ gia tăng trở lại. Nghị định mới sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua TPDN. Mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng. Hoạt động phát hành TPDN của các ngành này đang rất yếu, thậm chí có những tháng chỉ có 1, 2 đợt phát hành, bởi vậy Nghị định 65 ra đời sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, việc ban hành Nghị định 65 sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các DN huy động vốn trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát các luật pháp liên quan, các quy định phát hành TPDN cụ thể tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp để trình Quốc hội sửa đổi các quy định ở các luật này cho phù hợp với sự phát triển của thị trường trong thời gian vừa qua.

Liên quan đến quy định bắt buộc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với một số trái phiếu, ông Nguyễn Hoàng Dương thông tin thêm, hiện nay, trên thị trường có 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã được cấp phép.

Lê Pháp (t/h)