Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán thời gian qua, có thời điểm, VN-Index để mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, với 02 phiên giảm liên tiếp. Trong 02 tháng trở lại đây, thị trường chỉ có vẻn vẹn 01 tuần tăng điểm, đáng chú ý là trong 03 tuần giảm gần nhất thì mức giảm khá mạnh, từ 4% đến 8,5%. Các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật liên tục bị xuyên thủng, các cổ phiếu bị bán rất quyết liệt bất chấp là nhóm đầu cơ hay cơ bản, cổ phiếu bắt đáy có lãi hay lỗ…
![Ảnh minh họa internet Ảnh minh họa internet](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/10/29/049a7afa016d9c0ac0c42d5716f41796-1667000465.png)
Thị trường tài chính có những thăng trầm nhưng một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đều cho rằng: Đối với những doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai mục đích, Việt Nam cần xử lý nghiêm để răn đe thị trường, để thị chứng chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: “Thời gian qua, thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu) có nhiều vấn đề phát sinh. Thời gian tới, cơ quan quản lý cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn và phân cấp, phân quyền cơ quan quản lý cụ thể để những doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phải thực hiện đúng theo cam kết, đáp ứng tính thanh khoản khi trái phiếu đáo hạn. Nếu không giám sát chặt, phát hiện sai phạm sớm, kịp thời dễ gây mất niềm tin đối với giới đầu tư".
PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, với những chỉ số vĩ mô khá tích cực GDP năm 2022 được dự báo đạt 8%; lạm phát được kiểm soát, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) phản ánh tiêu cực. Phải chăng nguyên nhân xuất phát từ tâm lý tiêu cực của số đông nhà đầu tư khi chứng kiến liên tiếp các vụ việc xử lý lãnh đạo doanh nghiệp, thị trường giảm mạnh?
Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Những tiêu cực trong vấn đề phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, FLC là ‘scandal’ trong TTCK, TPDN khiến một số doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng khi phát hành trái phiếu, tỷ lệ nhà đầu tư tham gia không cao do tâm lý e ngại. Bộ Tài chính cần có những thông tin rõ ràng đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu; cần đánh giá nhân lực, tài lực và chất lượng hoạt động, sản xuất”.
Trái phiếu doanh nghiệp
Trao đổi về TPDN, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội băn khoăn trước thực tế, hàng chục ngàn tỷ đồng TPDN sẽ đến hạn thanh toán những tháng cuối năm và thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng TPDN cũng đến hạn phải trả trong 01 - 02 năm tới đang tạo áp lực rất lớn đến đơn vị phát hành và cả nền kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, để tránh những hệ lụy, vẫn cần giải pháp phù hợp với sự phối hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ bảo đảm có lượng vốn đủ cung cấp cho nền kinh tế.
![Ảnh minh họa internet Ảnh minh họa internet](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/10/29/a-t26-1667000556.jpg)
Trong trường hợp, nhà phát hành không có đủ nguồn tiền trả đúng hạn, Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu giải pháp là các nhà phát hành trong trường hợp này sẽ bán tài sản của doah nghiệp hoặc thanh lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu này để lấy tiền trả cho trái chủ; phát hành TPDN mới để lấy tiền trả cho các trái phiếu cũ (đảo nợ). Hoặc hoãn nợ bằng cách đàm phán với các trái chủ để đi đến thỏa thuận lại hoãn lại nợ trong một thời gian nào đó. Trong trường hợp các biện pháp trên đều không thực hiện được thì các trái chủ sẽ yêu cầu ra tòa, có thể kiện ra tòa và yêu cầu tuyên bố phá sản để tòa giải quyết việc đền bù, bồi thường…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu thêm giải pháp: Nhà phát hành và người nắm giữ trái phiếu cùng ngồi lại để đàm phán, hoãn nợ với những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, trong thời gian hoãn nợ đến hạn từ TPDN, nhà phát hành vẫn phải trả lãi suất trái phiếu cho nhà đầu tư. “Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần thảo luận để đề xuất Chính phủ một cơ chế, chính sách hoãn nợ cho những TPDN đã phát hành nhưng đang gặp khó khi đến hạn. Chính sách này khả thi với điều kiện chỉ được hoãn trong một thời gian nhất định (nhà phát hành vẫn trả lãi cho trái chủ), áp dụng đối với các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính, báo cáo tài chính tốt nhưng gặp khó vì lý do khách quan thị trường. Đồng thời, NHNN sẽ có một chương trình cho vay đặc biệt để các nhà phát hành trả lãi cho trái chủ, áp dụng đối với những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu đúng mục đích…”, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng, việc thanh khoản của thị trường năm 2023 có được tháo gỡ hay không hoàn toàn do vấn đề điều hành chính sách chứ không phải do yếu tố bên ngoài. Theo đó, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước hiện thanh khoản đang rất dư thừa và họ dùng để mua tín phiếu của NHNN, có nghĩa tiền không luân chuyển tới nơi cần nó trong nền kinh tế.
Trong dài hạn để kiểm soát lạm phát, NHNN cần kiểm soát được cung tiền, đặc biệt lượng tiền cơ sở ở mức phù hợp. Tăng trưởng tín dụng nên để cho các NHTM tự quyết định miễn là họ đáp ứng được các chuẩn mực an toàn mà các cơ quan quản lý đặt ra. “Vai trò của NHNN cần phải điều tiết được dòng tiền để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống và lãi suất xoay quanh mức lãi suất chính sách mà họ đã công bố”, PGS TS Phạm Thế Anh đề xuất.
Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)