Như thông tin được lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra ngày 26/4, dự kiến tới đây sẽ cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh (gần 70%) và 168/338 thủ tục hành chính (gần 50%) trong lĩnh vực y tế được quy định tại 6 Luật, 13 Nghị định và 7 Thông tư.
Doanh nghiệp khó “ngóc đầu”
Trong số này, các quy định thuộc lĩnh vực kinh doanh an toàn thực phẩm và dược, mỹ phẩm được đề xuất cắt giảm thủ tục nhiều nhất. Hiện, lĩnh vực an toàn thực phẩm có 845 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 708 thủ tục. Lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm hiện đang có 144 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 77 thủ tục.
Cũng nên nhắc lại tuần qua, trong buổi hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ở Tp.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho biết trong lĩnh vực thực phẩm, việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP hồi tháng 2/2018 đã giải quyết được nhiều bức xúc lớn của doanh nghiệp (DN).
Nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh đã làm khó DN ngành thực phẩm
Tuy nhiên, như lưu ý của bà Minh, có một chuyện là trước đây vì an toàn thực phẩm nên phía Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trong quá trình kiểm tra đăng ký kinh doanh của DN đòi hỏi rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng. Có nghĩa rằng an toàn chỉ là một trong những vấn đề liên quan đến chất lượng và cơ quan quản lý lại đòi hỏi khá nhiều.
Còn hiện nay, sau những bức xúc của DN, trong Nghị định 15 quy định đăng ký kinh doanh, DN chỉ ghi kiểm tra chỉ tiêu an toàn mà không còn kiểm tra về mặt chất lượng. Thế nhưng, nên coi chừng DN có thể “lách” chuyện này.
Tức là chỉ tiêu an toàn thì đơn thuần như vi khuẩn hoặc một vài kim loại nặng, còn về chất lượng như độ đạm, vitamin, độ béo… có liên quan đến sức khỏe con người thì phiếu kiểm nghiệm không làm chuyện đó.
Thành ra, cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản đề nghị các bộ cũng phải rà soát về chuyện này. Mặc dù Nghị định 15 là thực hiện về Luật An toàn thực phẩm, nhưng an toàn ở đây không chỉ là an toàn về bệnh tật mà còn đòi hỏi an toàn cho sự sống, cho sức khỏe nói chung của người Việt.
Dù Cục An toàn thực phẩm trước đây có đòi hỏi quá khi kiểm tra, nhưng hiện tại lại cắt giảm đi, còn DN thì lại lạm dụng việc cắt giảm này để xem thường chất lượng. Đây cũng là một mặt khác của chuyện cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Cũng theo bà Minh, để nâng chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh, các bộ phải giảm bớt tất cả những dịch vụ có thu tiền. Bộ càng “kinh doanh” nhiều thì DN càng không có chỗ để “ngóc đầu” lên, chắc chắn là như vậy!
Đừng lợi dụng “cái áo lợi ích chung”
“Đơn cử, chỉ trong lĩnh vực kiểm nghiệm, hiện nay có khá nhiều trung tâm ở các bộ. Tại sao các trung tâm này lại thuộc Nhà nước trong khi trên thế giới đa phần do tư nhân thực hiện, chẳng hạn như các dịch vụ cấp giấy chứng nhận ISO. Lý do vì sao các bộ vẫn cứ “ôm” và hầu như mảng thực phẩm nhập khẩu gần như 100% là Nhà nước “ôm” hết”, bà Minh nói.
Theo phản ánh của giới chuyên gia, không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm mà ở những lĩnh vực khác cũng đang diễn ra những tình cảnh tương tự. Lẽ ra, Nhà nước chỉ cần ban hành chính sách và kiểm soát cho tốt là đủ. Còn việc kinh doanh như đã nêu trên thì Nhà nước không nên làm nữa. Các trung tâm kiểu này ở các bộ nên chuyển thành DN và tiến hành cổ phần hóa.
Còn nếu như tồn tại mãi những trung tâm như vậy thì đương nhiên còn nảy sinh nhiều vấn đề. Đơn cử như lĩnh vực kiểm nghiệm, có những quy định phải qua Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế hoặc Bộ Công Thương.
Ngoài ra, trong một số Luật (như môi trường) có quy định DN phải đáp ứng một số tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng tiêu chuẩn của một bộ chuyên ngành nào đó.
Rõ ràng là DN buộc phải tuân thủ theo cả hai yêu cầu này và có một số Bộ đã “lợi dụng” những quy định đó. Đây là vấn đề cần xem xét lại để làm như thế nào cho hợp lý.
Như chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, việc đề xuất cắt “bài toán lợi ích”, chẳng hạn như các trung tâm có thu tiền ở một số bộ, là mấu chốt để xử lý “bài toán lợi ích”. Đây là một phát hiện rất đáng giá!
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đặt vấn đề về động cơ thực sau “cái áo lợi ích chung” khi các trung tâm ở các bộ có thẩm quyền xét nghiệm hoặc các cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ; dịch vụ làm thủ tục hành chính.
Ngoài ra, còn có những điều kiện đầy tính bất cập như: nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng; kinh doanh phân phối gas phải có trên 1.000 bình, 20 đại lý; kinh doanh vận tải ô tô phải có ít nhất 20/50 xe…
Liệu những điều kiện này có gạt bỏ DN nhỏ ra khỏi thị trường và ngăn DN mới tham gia, cũng như vừa tránh cạnh tranh vừa bảo đảm thị phần cho các DN lớn?
Thế Vinh/TBKD