Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: "Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi, Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế đang được quy định tại: 06 Luật; 13 Nghị định và 07 Thông tư và và dự kiến cắt giảm 1151/1680 điều kiện đầu tư kinh doanh đạt 68,51% và cắt 168/338 thủ tục hành chính đạt 49,70%. Riêng lĩnh vực dược phẩm hiện đang có 150 thủ tục hành chính, dự kiến sẽ cắt bỏ và sửa đổi khoảng 50% thủ tục”.
Bộ Y tế sẽ cắt giảm 1151 điều kiện kinh doanh theo 5 nguyên tắc
Theo đó, ở lĩnh vực trang thiết bị y tế hiện có 36 thủ tục, đề xuất cắt bỏ 20 thủ tục; số lượng thủ tục hành chính ở lĩnh vực này hiện đang là 20 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 10;
Ở lĩnh vực sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế hiện đang là 41 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 22 thủ tục;
Đối với lĩnh vực xét nghiệm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hiện đang có 101 thủ tục, dự kiến đề xuất cắt bỏ 79 thủ tục;
Ở lĩnh vực y tế dự phòng hiện đang có 166 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 93 thủ tục. Ở lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện đang có 845 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 708 thủ tục. Ở lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm hiện đang có 144 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 77 thủ tục;
Đối với lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ, xác định lại giới tính hiện đang có 32 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 14 thủ tục;
Ở lĩnh vực y dược cổ truyền hiện đang có 17 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 8 thủ tục. Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh hiện đang có 298 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 130 thủ tục
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay Bộ Y tế vẫn tiếp tục rà soát và bãi bỏ các Nghị định, thông tư có quy định điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết.
Thứ trưởng Long cũng cho biết, Bộ Y tế đã rà soát và đề xuất việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thực hiện theo 5 nguyên tắc gồm: Các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ chuyên môn hoặc đã được pháp luật chuyên ngành khác quy định hoặc có sự chồng chéo giữa các văn bản gây khó khăn khi thực hiện; Các điều kiện kinh doanh không định lượng, mang tính định tính, cảm quan không đo lường cụ thể được gây khó hiểu, mập mờ cho người thực hiện như: “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đủ sức khỏe”, "phải có trình độ"…; Các điều kiện kinh doanh đương nhiên phải đáp ứng khi hoạt động như: có đủ điện, nước, ánh sáng…; Các điều kiện đã có quy định ở mức độ cao hơn nhưng vẫn tồn tại các điều kiện ở mức độ thấp, ví dụ: đã có quy định phải đạt ISO, GMP, HACCP… nhưng ở văn bản hướng dẫn vẫn quy định các điều kiện thấp hơn; Chuyển tối đa hình thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Nghị định đề cập đến 9 lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh gồm: Khám chữa bệnh; Dược phẩm, mỹ phẩm; An toàn thực phẩm; Trang thiết bị y tế; Y dược cổ truyền; Y tế dự phòng; Sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; Xét nghiệm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thụ tinh trong ống nghiệm, Mang thai hộ, Xác định lại giới tính.
Hiện dự thảo Nghị định đã được đăng tải nội dung trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để lấy ý kiến góp ý.
Hoan Nguyễn