Câu chuyện cổ tức mùa đại hội cổ đông
Chứng khoán và sức khỏe của doanh nghiệp niêm yết vẫn được coi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Vậy nên, đại hội cổ đông cũng là nơi mà các lãnh đạo doanh nghiệp nhận được nhiều câu hỏi "khó" - nhất là trước những khó khăn chung không phải doanh nghiệp nào cũng có lãi để mạnh tay chi trả, thậm chí có doanh nghiệp trễ hẹn, hoãn, hủy trả cổ tức.
Có thể kể đến trường hợp của CTCP FECON (MCK: FCN) dự kiến chi gần 79 tỷ đồng cổ tức năm 2022, sau khoảng thời gian chậm trả do hoạt động kinh doanh và cân đối thu chi khó khăn. Tuy nhiên, phải đến cuối năm nay, cổ đông của doanh nghiệp mới được nhận phần lớn lượng tiền này.
“Công ty sẽ không thực hiện trả một lần duy nhất mà chia thành 2 đợt là vào ngày 29/3/2024 thanh toán 1% và dự kiến đến tháng 12/2024 sẽ thanh toán 4% còn lại. Việc chậm trả cổ tức của doanh nghiệp có liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh không thuận lợi như:Tiến độ triển khai một số dự án lớn từ đầu năm 2023 bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến, chi phí lãi vay tăng cao và khó khăn trong huy động vốn.Năm 2023, doanh nghiệp lỗ hơn 32 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 40 tỷ đồng”, theo lãnh đạo Công ty.
Không chỉ trễ hẹn trả cổ tức, có doanh nghiệp còn thông báo hoãn, thậm chí hủy chi trả cổ tức. Điển hình như CTCP Lương thực Bình Định - Bidifood (MCK: BLT). Lý giải của Bidifood, kể từ tháng 7/2023 thì giá vốn hàng hóa tăng đột biến hơn 50% và giá gạo bình quân trên 15.500 đồng/kg do vậy, công ty phải duy trì mức dự trữ lưu thông hơn 3.000 tấn gạo, trị giá hơn 46 tỷ đồng làm hạn chế nguồn vốn, tăng chi phí lãi vay; Công ty phải huy động vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 40 tỷ đồng trong hai năm 2023 - 2024…. Để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, có nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và tái đầu tư, khôi phục sản xuất, sau khi chi tạm ứng cổ tức 30%, HĐQT đã trình cổ đông thông qua việc ngừng chi trả cổ tức còn lại tỷ lệ 140,5% bằng tiền.
Còn tại CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam (MCK: CSV) đã thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với lý do để sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Việc tạm ứng cổ tức năm 2023 sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân khác nhau được các doanh nghiệp đưa ra để lý giải cho việc trì hoãn, nhưng tựu trung lại là “chưa có tiền” – lý do hoàn toàn hợp lý khi trong thức bậc phân chia lợi ích tại công ty cổ phần, cổ đông vốn xếp ở vị trí cuối cùng. Ngoài ra, còn một lý do “chính đáng” là tập trung dòng tiền cho hoạt động kinh doanh, tái đầu tư để đem lại lợi ích, thay vì tăng vay nợ và phải chịu gánh nặng lãi vay.
Tuy nhiên, với nhà đầu tư, nhất là với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc doanh nghiệp khất lần cổ tức khiến họ không thể “không tức”. Bởi theo quy định, thị giá cổ phiếu được điều chỉnh vào ngày giao dịch không hưởng quyền, bất chấp việc doanh nghiệp chưa thanh toán cổ tức cho cổ đông. Phần cổ tức đáng lẽ phải trả cho cổ đông bị công ty chiếm dụng càng lâu thì chi phí cơ hội sẽ càng lớn.
Song song đó, nhiều doanh nghiệp như: RAL, NET, PAT, D2D, VCF,… cũng chốt trả cổ tức khủng bằng tiền mặt. Cụ thể, CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) thông báo, ngày 25/4 tới đây sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 với tỷ lệ 25% bằng tiền. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận cổ tức 2.500 đồng, thời gian thực hiện từ ngày 9/5/2024.
Tại CTCP Bột giặt NET (NET) dự lấy ý kiến cổ đông về phương án chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2023 với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.000 đồng. Với 22,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền công ty dự tính chi trả cho cổ đông là khoảng 112 tỷ đồng. Thời gian trả trong vòng 6 tháng kể từ ngày được cổ đông thông qua.
Hay như CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) chốt chia thêm 10% cổ tức của năm 2023, tương ứng tỷ lệ cổ tức cho cả năm 2023 ở mức 100% (trước đó đã tạm ứng 90%). Con số này thấp hơn kế hoạch 140% được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua. Năm 2024, PAT dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 70%.
Còn tại CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) dự chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 87%. Đáng chú ý, mức dự kiến được thông qua hồi đầu năm 2023 chỉ là 30%. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 8.700 đồng. Với hơn 30 triệu cổ phiếu đang lưu hành, D2D cần chi tổng cộng hơn 263 tỷ đồng để trả cổ tức cho năm 2023.
Và, khủng nhất phải nói đến là Vinacafé Biên Hòa (VCF) dự trình mức chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 250%. Thời gian chi trả trong vòng 6 tháng kể từ ngày được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Một thống kê từ VietstockFinance, trong năm 2023, có 749 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM. Trong đó, 441 đơn vị chi trả với tỉ lệ từ 10% trở lên.
Cổ đông ngân hàng "ngóng chờ" điều gì ở mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2024?
Trong khi cổ đông nhiều doanh nghiệp "dở khóc dở cười" về việc chia cổ tức hàng năm, cổ đông nhóm ngân hàng lại đang đón nhận niềm vui.
Ngân hàng là một trong những ngành nhận được nhiều quan tâm, nhất là từ câu chuyện liên quan đến việc bình ổn, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu gần đây hay là mối quan tâm về tiềm ẩn nợ xấu khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau thời kỳ ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trước các câu hỏi từ cổ đông, đại diện ngân hàng đều có những khẳng định khiến cổ đông an tâm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Đức - một nhà đầu tư với danh mục có đến 70% tỷ trọng là các cổ phiếu của ngành ngân hàng cho biết: “Trong nhiều năm khi tôi đầu tư thì gần như là các ngân hàng trả cổ tức cho tôi rất là ít. Có những ngân hàng không chi trả cổ tức, tôi đang băn khoăn là xem có nên chuyển hướng đầu tư của mình sang ngành nghề khác hay không?”
Không chuyển hướng đầu tư, có cổ đông đã chất vấn Hội đồng quản trị (tại mùa đại hội cổ đông những năm trước) ngay tại đại hội: “Khi đầu tư vào ngân hàng thì chúng tôi có được hưởng cổ tức hay không và nếu được hưởng cổ tức thì là như thế nào?” hay như câu hỏi: “Năm nay có chia cổ tức hay không, nếu không chia thì bao giờ mới chia”,…
Theo lý giải của Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng, là vì ngân hàng này vẫn thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước nên mọi hoạt động đều phải xin ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước chứ không thể tự quyết.
Cho đến thời điểm này, chia cổ tức trên dưới 20% là phương án khá phổ biến của nhiều ngân hàng, trong đó có ngân hàng chia cả cổ phiếu và tiền mặt, có ngân hàng chỉ chia cổ phiếu hoặc tiền mặt. Chẳng hạn, Techcombank cũng vừa công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng), thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100% trong năm nay. VPB chia cổ tức bằng tiền mặt 5 năm liên tiếp, được phép dùng 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm để chia cổ tức cho cổ đông; MBB là 20% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu; VIB dự kiến mức chia cao hơn lên tới 29,5%, trong đó cổ phiếu 17% và tiền mặt 12,5%; Nam Á Bank dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%;
ACB cũng có phương án chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT ngân hàng này dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024.
Tương tự, ABBank cũng thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 là ngày 8/3. Đại hội dự kiến được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 5/4/2024 tại Hội trường Tầng 4, Tòa nhà Geleximco, số 36 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trước đó, NCB công bố ngày đăng ký cuối cùng để tham dự Đại hội đồng cổ đông năm 2024 là 12/3. Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 13/4, địa điểm được thông báo trong giấy mời họp.
Theo công bố của OCB, ngày cuối cùng để chốt danh sách tham dự Đại hội đồng cổ đông là 18/3. Phiên họp đại hội sẽ được tổ chức vào sáng 15/4 tại TP. HCM.
Còn PGBank cũng vừa thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Cuộc họp dự kiến tổ chức tại The Five Villas & Resort Ninh Bình, xã Yên Thắng, huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình, ngày 20/4/2024.
Ngoài ra, một số ngân hàng chia cổ tức để tăng vốn như Ngân hàng BID, Ngân hàng LPB… Gần đây nhất, Ngân hàng MSB dự trình cổ đông tại đại hội vào ngày 23/4 tới thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Theo đó, MSB sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023 theo báo cáo tài chính kiểm toán và sau khi trích các quỹ theo luật định. Việc chia cổ tức này sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu Công ty cổ phần FiinGroup Việt Nam cho rằng, ngành ngân hàng trong năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề nợ xấu khiến áp lực trích lập lớn; rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi lượng đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ đồng và thị trường bất động sản cần thời gian để giải quyết các vướng mắc về pháp lý.
Tuy nhiên, triển vọng của ngành ngân hàng vẫn được kỳ vọng khi lợi nhuận sau thuế dự báo tăng từ 12 - 15% so với mức 3,5% trong năm 2023, dựa trên sự hồi phục từ tăng trưởng tín dụng trong môi trường lãi suất thấp, sức khỏe nền kinh tế tăng trưởng cao hơn năm trước cùng với biên lãi ròng (NIM) cải thiện.
Bàn về vấn đề cổ tức, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni cho biết: Có 2 loại cổ tức bằng cổ phiếu và cổ tức bằng tiền. Nếu nhận cổ tức bằng cổ phiếu thì khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu thì ngày nhận cổ phiếu là ngày giá cổ phiếu đó giảm ở mức tương ứng tỷ lệ % cổ tức nhận được.
Đồng nghĩa cổ đông không được lợi thêm ngay nhưng phải trả thuế 5% trên giá trị đã được nhận. Đã thế, số cổ phiếu được hưởng không về tài khoản ngay mà phải chờ một vài tháng. Hay một số trường hợp phát sinh cổ phiếu lẻ, lại khó bán. Tuy vậy, các doanh nghiệp hay chọn hình thức này vì có lợi cho doanh nghiệp do vẫn có tiếng chia cổ tức mà doanh nghiệp vẫn có thể dùng tiền mặt để tái đầu tư, sử dụng cho hoạt động của doanh nghiệp.
Một chuyên gia tài chính khác thì cho rằng việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt rất tốt cho nhà đầu tư và cho cả doanh nghiệp. Vì nó cho biết doanh nghiệp có dòng tiền tốt, kinh doanh ổn định. Tuy nhiên với nhà đầu cơ, lướt sóng thì họ không quan tâm nắm giữ cổ phiếu để nhận cổ tức mà họ chỉ mua bán dựa trên xu hướng giá. Chẳng hạn khi có thông tin chia cổ tức tiền mặt cao, thường giá cổ phiếu sẽ tăng, nếu thấy có lời họ sẽ canh bán trước ngày chốt danh sách chứ không chờ nhận cổ tức. Và nếu cổ tức tiền mặt cao, từ vài ba chục đến 100% thì sẽ thu hút nhà đầu tư và cả đầu cơ nhưng để "ôm" nhận cổ tức thì thường chỉ có nhà đầu tư.
Minh An