Theo đó, ngân hàng VietABank đã chính thức ra quyết định miễn nhiệm với Phó Tổng giám đốc Cù Anh Tuấn. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/03.

Quyết định thay đổi nhân sự của VietABank diễn ra ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng. Theo kế hoạch, VietABank sẽ tổ chức đại hội cổ đông năm nay vào ngày 26/03 tới.

Phó Tổng giám đốc Cù Anh Tuấn.
Phó Tổng giám đốc Cù Anh Tuấn.

Ông Cù Anh Tuấn sinh năm 1972, tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính – Kế toán tại Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), CPA(Certified Public Accountant) Australia – chứng chỉ kiểm toán công của Úc từ tháng 01/2005.

Ông có 23 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam. Ông Tuấn từng có 03 năm công tác tại Techcombank, 04 năm tại Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) và nhiều tập đoàn doanh nghiệp khác (Fujitsu Việt Nam, Motorola...).

Chỉ trong vài tháng đầu năm, làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao đã diễn ra tại nhiều ngân hàng. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã quyết định miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Quân. Đáng chú ý, chỉ từ đầu năm đến nay, ABBank đã có tổng cộng 4 lần “thay tướng” khi miễn nhiệm 02 Phó Tổng giám đốc và 02 thành viên Ban điều hành.

Bức tranh tài chính ngân hàng VietABank năm 2023 ra sao?

Tại báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2023, lợi nhuận sau thuế tăng 34,6 tỷ đồng, tăng tương ứng 14,4% đạt 274,7 tỷ đồng; cho vay kháchhàng tăng 6.499 tỷ đồng, tương ứng tăng 10,5%, đạt 68.324 tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn qua những con số mà VietABank công bố thì rất ấn tượng, rất ý nghĩa… Tuy nhiên, bức tranh tài chính thật của VietABank lại không được tốt đẹp như kỳ vọng, thiếu bền vững, tiềm ẩn rủi ro cao.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, VietABank ghi nhận tổng nợ phải trả ở con số 104.196 tỷ đồng, hiện đã gấp hơn 1.301% vốn chủ sở hữu. Với tổng nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu liệu có đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một tổ chức tín dụng để tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Càng khó hơn khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi thắt chặt quy định hơn, trong đó Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Năm 2024 sẽ siết chặt cho vay sân sau, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém”.

So với đầu năm 2023, mặc dù cho vay khách hàng tăng thêm 6.499 tỷ đồng nhưng tổng tài sản của VietABank chỉ tăng 7.059 tỷ đồng, đạt mức 112.207 tỷ đồng. Chứng khoán đầu tư cũng giảm thêm 1.568 tỷ đồng về ở con số 7.416 tỷ đồng (giảm 19,4%).

VietABank đã hoạt động về chứng khoán thiếu hiệu quả. Cổ phiếu VAB trên sàn UPCoM trong nửa năm trở lại đây liên tục rớt giá về vùng đáy.

Về cơ cấu nợ của VietABank, cơ bản nằm trong khoản mục “nợ ngắn hạn” đạt 40.174 tỷ đồng và “nợ trung hạn” đạt 24.713 tỷ đồng. Mặc dù thu nhập lãi thuần tăng 284 tỷ đồng tương ứng tăng 56,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng chi phí hoạt động cũng chỉ giảm 9,9% đạt 239 tỷ đồng.

So với quý IV/2022, chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng của VietABank đã tăng thêm 580.954 tỷ đồng (tăng gấp 21,3 lần - tương ứng tăng 2.032%) đạt 609,5 tỷ đồng và chi phí cho dự phòng rủi ro cho các tài sản có khác hiện ở con số 263,6 tỷ đồng. Việc trích lập thêm 263,6 tỷ đồng chi phí cho dự phòng rủi ro tài sản có khác, có thể VietABank đã nhận định được trước khoản tiền trên 11.647 tỷ đồng ở khoản mục tài sản có khác này sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu trong tương lai gần.

Chỉ tính riêng 02 khoản này hiện VietABank đã phải bỏ ra số tiền trên 581.217,6 tỷ đồng dự phòng rủi ro, dự báo nợ xấu tiếp tục diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục đè nặng kết quả lợi nhuận của VietABank trong thời gian tới.

Số liệu trong báo cáo tài chính quý IV/2023 của VietABank cho thấy, nợ xấu của nhà băng này vẫn ở mức cao, hiện đạt trên 1.100 tỷ đồng, chiếm 49% vốn điều lệ. Là nhà băng thuộc top ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhất ở Việt Nam, nhưng nợ xấu của ngân hàng này lại thuộc top cao của các nhà băng. Trong đó, hơn 52% nợ xấu của VietABank là nợ dưới tiêu chuẩn so với tổng dư nợ (đang ở mức 574,5 tỷ đồng, tăng gấp 40 lần – tương ứng tăng 3.901% so với đầu năm 2023); Nợ nghi ngờ ở mức 21,8 tỷ đồng (giảm 27,8%) và nợ có khả năng mất vốn ở mức 503,7 tỷ đồng so với hồi đầu năm (chiếm 46% so với tổng dư nợ).

 Minh An (T/h)