Truyền thuyết về cây đàn Tính
Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Hát then là một loại hình âm nhạc truyền thống của người Tày, Nùng, Thái, mang màu sắc tín ngưỡng với nội dung kể lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới để cầu xin ông trời giải quyết một vấn đề gì đó ở dưới hạ giới.
Then được diễn sướng trong một không gian thiêng, đó là các nghi lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, cất sắc, những câu chuyện trong nghi lễ Then phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, lịch sử, tập tục sinh hoạt của dân tộc Tày, Nùng, Thái. Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn Tính (còn gọi là Tính tẩu).
Cây đàn Tính vừa được coi là bạn, cũng là bảo vật của đồng bào dân tộc Tày
Về truyền thuyết về cây đàn Tính mỗi địa phương lại có một câu chuyện khác nhau. Câu chuyện tôi được nghe kể của đồng bào dân tộc Tày ở Bàn Nhùng, huyện Na Hang (Tuyên Quang) với đầy màu sắc huyền bí như sau.
Từ xa xưa lắm, có anh chàng tên là Xiên Cân đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa có ai lấy. Một hôm Xiên Cân đi ra ngoài suối lấy nước, khi chàng nhìn xuống mặt nước thì thấy mình đã già đi nhiều quá. Buồn cho duyên số của mình, Xiên Cân chỉ còn biết đàn hát làm thú vui. Chàng lên trời xin nàng Dâu hạt giống cây dâu về trồng ở dưới trần. Khi cây dâu lớn, cành lá tốt tươi và đàn tằm của anh cũng miệt mài thả tơ.
Khi đã có cây tơ và bầu, Xiên Cân lên rừng kiếm cây làm cần đàn và sừng đàn. Anh mắc vào cây đàn của mình 12 dây tơ. Chàng thường đem đàn ra gẩy để quên hết buồn lo. Muôn loài đều say mê tiếng đàn của chàng, nhưng cũng vì tiếng bi ai, buồn thẳm nên cũng nhiều loài vật héo hon đau khổ.
Thấy vậy Bụt đã bắt đã bắt Xiên Cân cắt đi 9 dây, chỉ còn cho phép để 3 dây. Cây đàn 3 dây bằng tơ này chính là cây đàn Tính của người Tày. Về phần Xiên Cân, sau đó chàng lấy được vợ, sinh con, sinh cháu và nhiều con cháu tiếp nối ông cha chơi đàn Tính, hát then truyền đến ngày nay.
Chất liệu tạo nên cây đàn Tính của người Tày
Câu chuyện về chàng Xiên Cân giúp chúng ta có hiểu biết ít nhiều về cấu tạo của cây đàn Tính. Theo nghệ nhân Hoàng Liên Sơn – một người giỏi hát Then và làm đàn Tính nhất vùng Na Hang (Tuyên Quang) thì ba bộ phận chính tạo nên cây đàn Tính đó là: bầu đàn, cần đàn và dây đàn.
Ông Sơn lại cho biết thêm, ở mỗi nơi, mỗi nghệ nhân chế tác đàn Tính lại có cách chọn lựa vật liệu cũng như phương pháp chế tác khác nhau. Người Tày ở đây chọn cần đàn làm bằng gỗ cây thừng mực (tiếng Tày gọi là mạy múc), loại cây này dễ tìm ở miền núi. Thừng mực được chọn lựa làm cần đàn vì ưu điểm khi khô thường nhẹ, bền và không bị cong.
Nếu không có thừng mực, người ta có thể thay bằng cây mỡ nhưng ưu điểm sẽ không bằng. Cần đàn sẽ được vót thẳng một đầu gắn vào bầu đàn, đầu còn lại thì tùy trang trí, khắc chạm theo sở thích của người nghệ nhân.
Ông Sơn miêu tả cách ngày xưa người nghệ nhân dùng nhựa củ nâu và loại giấy đặc biệt của người Dao để gắn đàn
Để tạo ra cây một cây đàn Tính hay thì phần chọn được bầu đàn là điều quan trọng nhất. Bầu đàn Tính được làm bằng loại quả bầu giống tròn, cắt ngang đi một phần rồi nghệ nhân sẽ tiến hành chế tạo tác phẩm. Giống bầu tròn cũng được bà con dân tộc Tày ở Tuyên Quang trồng quanh vườn nhà.
Thời vụ trồng thường được ấn định vào tháng 3, giống bầu tròn rất dễ trồng và ăn ngon hơn các giống bầu khác. Khi đã già, lúc này quả bầu thường có đường kính từ 20 đến 40 cm. Quả bầu sẽ được cắt tầm 1/3, sau đó sẽ được đem ngân nước vôi 2 đến 3 ngày cho sạch ruột rồi đem phơi khô. Kích cỡ bầu sẽ ảnh hưởng đến độ vang của đàn sau này. Phần nắp đàn được chọn từ loại gỗ nhẹ, chà mịn rồi gắn keo vào bầu và cần đàn.
Cuối cùng là việc chọn dây đàn, ngày xưa dây đàn được lựa chọn là tơ xe. Ngày nay người ta có thể thay tơ xe bằng các loại dây dễ có chất liệu khác như dây dù hoặc dây cước. Lúc đầu, đàn làm 12 dây, sau chỉ còn 3 dây, đến nay chỉ còn 2 - 3 dây.
Khi mọi vật liệu đã chuẩn bị xong, người nghệ nhân bắt đầu công đoạn khó khăn và tỉ mỉ nhất đó là chế tác đàn. “Để hoàn thành một cây đàn tính phải mất 4 đến 5 ngày công. Từ chọn cần đàn, ngâm bầu rồi chà nắp. Hiện tại có keo thì việc gắn đàn cũng dễ hơn, ngày xưa phải lên rừng tìm củ nâu về chà với loại giấy quý hiếm của người Dao”, ông Sơn chia sẻ.
Khi bầu đàn đã được gắn với cần đàn và nắp đàn, dây đàn thì lúc đó mới xong được 80% công việc chế tác. Việc cuối cùng là đục lỗ và mài nhẵn, phun sơn lên bầu đàn. Một cây đàn hay ngoài âm thành tốt nó cũng phải bảo đảm tính thẩm mỹ. Điều đó cũng nói lên được “cái tầm” của người nghệ nhân chế tác.
Bao đời này, người Tày coi cây đàn Tính vừa là một người bạn trong cuộc sống thường ngày cũng như là bảo vật linh thiêng của cả cộng đồng. Hát Then với đàn Tính bao giờ cũng đi liền với nhau. Cùng với người hát thì cây đàn Tính hòa với hát then tạo nên một tác phẩm âm nhạc ấn tượng.
Tiếng đàn Tính vừa tha thiết ngọt ngào như âm thanh của núi rừng, vừa gần gũi bình dị giống như sự giao hòa trong cuộc sống giữa con người với thiên nhiên.
Lê Hoàn