Cụ thể, tối 4/12 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Conmebol (Thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay), Di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam - được UNESCO ghi danh.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, là các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer, Hoa ở Châu Đốc (An Giang).

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Cúc Đường
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Cúc Đường)

Theo đó, danh sách 16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, gồm:

Nhã nhạc - nhạc cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Hát ca trù; Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Hát xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ; Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật xòe Thái; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và mới nhất là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ…, các di sản văn hóa phi vật thể, trước đó ngày 16/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP, quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Nghị định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể - là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền.

Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau, đều được tôn trọng như nhau.

Ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.

Ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuấn Ngọc (T/h)