Ông sắp rời vị trí Ủy viên phụ trách kinh tế của EU và đã vạch ra bức tranh kinh tế đang chờ đợi người kế nhiệm sắp tới. Ông cho hay, nền kinh tế "đi" chậm nhưng vẫn đang tăng trưởng.

Kinh tế EU chậm nhưng vẫn đang tăng trưởng. Ảnh minh họa. (Nguồn: Alamy)
Kinh tế EU chậm nhưng vẫn đang tăng trưởng. Ảnh minh họa. Nguồn Alamy.

"Vấn đề khối 27 thành viên phải giải quyết là nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt được tiến bộ to lớn trong liên minh thị trường vốn và giải quyết được thách thức về quốc phòng. Nếu chúng ta không làm điều đó, thì tình hình mới của thế giới sẽ trở nên rất khó khăn đối với người Châu Âu”, ông Paolo Gentiloni nói.

Sau đại dịch Covid-19, Châu Âu phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, lạm phát cao do Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022 và tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng sau các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Moscow.

Mới đây, Cơ quan thống kê Châu Âu (Eurostat) cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) chỉ tăng 0,2% trong quý II/2024 so với quý trước. Mức tăng này thấp hơn dự báo là 0,3%. Như vậy, GDP của khối chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ đánh dấu sự giảm tốc so với giai đoạn đầu năm, hiệu suất kinh tế của Châu Âu trong quý II còn kém xa so với các nước Mỹ hay Vương quốc Anh. Trong quý II/2024, kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 3% trên năm, gấp nhiều lần Châu Âu.

Trong bối cảnh lạm phát giảm, tháng 6/2024, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã nới lỏng chính sách tiền tệ - động thái duy nhất kể từ năm 2019. ECB đã cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống 3,75%, giảm từ mức kỷ lục 4% kể từ tháng 9/2023.

Dây chuyền sản xuất các mẫu xe Golf VIII và Tiguan của Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). (Nguồn: Reuters)
Dây chuyền sản xuất các mẫu xe Golf VIII và Tiguan của Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Nguồn Reuters.

Dự báo, ngân hàng này sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa trong cuộc họp sắp tới vào ngày 12/9. Tuy nhiên, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ đặt ra thách thức cho ECB.

Nhìn về phía trước, Châu Âu hiện phải vượt qua "cơn bão kép" của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 và những căng thẳng trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.

EU đã lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh sau khi khối này quyết định áp thuế cao hơn đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phía khối 27 thành viên cho rằng, xe điện Trung Quốc "được hưởng lợi rất nhiều từ các khoản trợ cấp không công bằng” và gây ra “mối đe dọa gây tổn hại kinh tế” cho các nhà sản xuất xe điện ở Châu Âu.

Bên cạnh đó, làn sóng hàng giá rẻ như xe điện, pin lithium, tấm năng lượng Mặt trời... khiến các doanh nghiệp EU khó cạnh tranh.

Hiện Bắc Kinh chưa công bố bất cứ biện pháp trả đũa nào, nhưng rất nhiều tập đoàn đa quốc gia của Châu Âu bắt đầu cảm thấy khó khăn khi biên lợi nhuận giảm sút trầm trọng, đơn cử như ở ngành công nghiệp xe hơi Đức.

Ông Gentiloni nhấn mạnh, thời gian tới, thương mại với Trung Quốc và xung đột ở Ukraine đứng đầu những thách thức mà Ủy ban Châu Âu phải đối mặt.

Nguồn CNBC