Kết phiên giao dịch ngày 9/1, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 33.763,18 điểm, một mức chưa từng thấy kể từ tháng 3/1990, khi đà tăng được dẫn dắt bởi sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ sụt giảm.
Chỉ số Nikkei 225 đã đạt mức tăng hơn 25% vào năm ngoái, là thành tích tốt nhất trong một thập kỷ. Chỉ số này cũng là một trong những chỉ số tăng mạnh nhất thế giới vào năm 2023 khi chính quyền thúc đẩy các công ty cải thiện giá trị cổ đông, trong khi tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập kỷ dần chấm dứt và được thay thế bằng mức tăng giá nhẹ.
Bên cạnh đó, việc đồng yên suy yếu trong đã hỗ trợ các nhà xuất khẩu và sự lạc quan sau khi Warren Buffett mua cổ phần các công ty thương mại lớn nhất Nhật Bản cũng đã thúc đẩy chứng khoán ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Ayako Sera, chiến lược gia thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank cho biết: “Chứng khoán Nhật Bản đã rẻ trong một thời gian dài và các dấu hiệu cải cách quản trị doanh nghiệp cũng như các khoản đầu tư của Buffett có nghĩa là việc chỉ số Nikkei quay trở lại mức cao nhất trong ba thập kỷ không phải là điều đáng ngạc nhiên…Điều quan trọng là phải xem liệu chỉ số Nikkei hiện tại có thể đạt mức cao kỷ lục hay không. Mức 40.000 yên có vẻ vẫn còn khá xa”.
Lạm phát ở Nhật Bản chưa đạt đến mức nóng như ở nhiều nền kinh tế châu Á và có dấu hiệu cho thấy lạm phát đang chậm lại. Nhưng đó vẫn là một sự thay đổi lớn so với những năm trước, khi giá giảm liên tục đè nặng lên lợi nhuận doanh nghiệp. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chống lại tình trạng giảm phát bằng cách hạ lãi suất xuống dưới 0 và mua tài sản từ thị trường để kích thích nhu cầu.
Thị trường đang kỳ vọng BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào cuối năm nay, mặc dù những đồn đoán về động thái này trong tháng 1 phần lớn đã giảm bớt. Mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương ban đầu có thể kéo giá cổ phiếu đi xuống khi lãi suất tăng lên, nhưng các ngân hàng có thể được hưởng lợi khi cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho vay.
Hà Trần (t/h)