Việt Nam xếp hạng 46/132 GII 2023

Theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp).

Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).

Việt Nam duy trì vị trí thứ hai trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (xếp hạng 12), Malaysia (xếp hạng 36), Bulgari (xếp hạng 38), Thổ Nhĩ Kỳ (xếp hạng 39) và Thái Lan (xếp hạng 43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (xếp hạng 5), Malaysia (xếp hạng 36) và Thái Lan (xếp hạng 43).

Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran. Việt Nam là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp, gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam.

Năm 2023, chỉ số GII có một số thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần. Trong đó, có chỉ số mới về startups như “Giá trị của các DN kỳ lân”, Việt Nam được xếp hạng 33.

Chi R&D của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so các năm trước. Tuy nhiên, chi R&D của Top 3 DN lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so 2022. Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm, dù còn nhỏ, nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn so 2022, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so 2022. Các DN liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo ISO, theo đó, chỉ số về giá trị ISO 9001/PPP$GDP đã tăng 15 bậc so 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023.

Bên cạnh đó, một số chỉ số còn ở mức thấp. Nhóm chỉ số bền vững sinh thái, dù tăng 3 bậc so 2022, nhưng thứ hạng vẫn rất thấp, xếp hạng 110. Trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số Kết quả về môi trường xếp hạng 130, tiếp tục giảm 2 bậc so 2022. Đây là chỉ số luôn có thứ hạng thấp từ năm 2017 đến nay. Các vấn đề về Thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chỉ số Hiệu quả thực thi pháp luật, xếp hạng 72, giảm 2 bậc so 2022. Chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật, sau khi cải thiện 10 bậc từ hạng 93 lên 83 vào năm 2022, năm 2023 giảm xuống vị trí 94.

GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể, cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ Khoa học & Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung.

Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 42 (năm 2019 và 2020), 44 năm 2021, 48 năm 2022 và 46 năm 2023.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam không ngừng được cải thiện (Ảnh minh họa)
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam không ngừng được cải thiện (Ảnh minh họa)

Nền tảng phát triển nhanh và bền vững

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, cuộc CMCN 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo thế giới, sẽ mang lại cơ hội, đồng thời là thách thức rất lớn cho mỗi quốc gia, trong chặng đường phát triển.

Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu Việt Nam phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chúng ta tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học & công nghệ hiện đại, lành mạnh hóa thị trường khoa học & công nghệ, đổi mới sáng tạo và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và DN.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện khoa học & công nghệ tại một số quốc gia phát triển...

Đồng thời, chúng ta thúc đẩy thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong nền kinh tế, như: Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu; Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030…

Đây là những chính sách rất quan trọng trong tiến trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Trong đó, DN được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi có khả năng ứng dụng nhanh nhất các kết quả của hoạt động khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn, mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năng động, có tính mở cao, đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các nguồn lực quốc tế, trong đó lực lượng kiều bào Việt Nam là một thành tố vô cùng quan trọng.

Phía Việt Nam cũng khẳng định, sẵn sàng tham gia có trách nhiệm để đưa các giải pháp đổi mới sáng tạo - giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, phát triển bền vững tại các nước trên thế giới và khuyến khích các chuyên gia, DN quốc tế phát triển thị trường, phối hợp với các DN trong nước để giải quyết các bài toán tại Việt Nam…

Lê Ngọc Việt