ảnh minh họa
Căng thẳng Mỹ- Triều trong thời gian trước khiến một số người lo ngại rằng sự an toàn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng khó đoán định. Có thể ông sẽ bị đặc nhiệm Mỹ hoặc Hàn Quốc ám sát, cũng có thể sẽ bị không kích ngay trong hầm trú ẩn. Nhiều loại bom thông minh còn có thể thổi bay cả các sở chỉ huy và các thiết bị hạt nhân của ông Kim.
Ít nhất thì đó cũng là kế hoạch tấn công của Mỹ trong kịch bản chiến tranh Triều Tiên lần tiếp theo nếu như ngòi nổ xung đột không được tháo gỡ trên bán đảo. Và với việc Triều Tiên đã thực hiện một loạt thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã nhiều lần diễn tập tấn công tiêu diệt các căn cứ hạt nhân của Triều Tiên.
Chính xác thì Kế hoạch hành động 5015 của Mỹ đến nay vẫn được bảo mật. Một số tờ báo của Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đăng một số thông tin vắn tắt nhưng cũng đã cho thấy Mỹ đã đưa ra một cách tiếp cận mới về việc làm sao để đối phó một đất nước như Triều Tiên, với kho vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường khổng lồ.
Nhiều năm trước, nhiều người sợ rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên lần tới cũng sẽ giống như lần đầu tiên, là một cuộc chiến tranh thông thường lớn với quân đội Mỹ và Hàn Quốc nhằm ngăn chặn kẻ địch và sau đó là phản công Triều Tiên. Nhưng kế hoạch 5015 được cho là sẽ mang cách tiếp cận của thế kỷ XXI về một cuộc chiến giới hạn, chỉ gồm lực lượng đặc nhiệm cùng vũ khí chính xác.
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản cho rằng kế hoạch này giống chiến tranh du kích, trong đó lực lượng đặc nhiệm thực hiện các vụ ám sát và tấn công nhằm vào các căn cứ quan trọng. Mục đích là để củng cố một số kế hoạch chiến tranh cũ, giảm thiểu thương vong trong chiến tranh và thậm chí chuẩn bị cho khả năng chế độ sụp đổ.
Quan trọng nhất là kế hoạch OPLAN 5015 dự đoán trước về khả năng một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên. Theo Globalsecurity.org, "Kế hoạch mới này được cho là để thích ứng với những thay đổi trong môi trường an ninh, bằng cách tập trung vào việc đáp trả nhanh hơn và linh hoạt hơn so với OPLAN 5027 trước đây, kết hợp cả khái niệm tấn công phủ đầu".
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ
Khi Triều Tiên ngày càng thực hiện nhiều động thái nguy hiểm thì nguy cơ leo thang xung đột càng cao. Kế hoạch OPLAN 5015 vạch ra cho lực lượng phối hợp tác chiến Mỹ- Hàn các cách đối phó với những mối đe dọa này trong trường hợp leo thang xung đột, và các cách để đáp trả mối đe dọa từ tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Biểu hiện dễ thấy nhất của kế hoạch này là trong cuộc tập trận Mỹ- Hàn mang tên Foal Eagle 2017, với sự tham gia của hơn 300.000 lính trong vòng hai tháng huấn luyện trên máy tính và thực tế. Cơ quan thông tấn Yonhap, Hàn Quốc trích lời trang Washington Post cho hay: "Lực lượng liên quân cũng mô phỏng kế hoạch hoạt động 4D mới, trong đó có chi tiết các hoạt động tấn công phủ đầu của quân đội đồng minh nhằm phát hiện, tiêu diệt và bảo vệ chống lại kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên".
Câu hỏi đặt ra là có nên quá tuân thủ theo kế hoạch OPLAN 5015. Ông David Maxwell, một đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Đại học Georgetown, đã cảnh báo về việc thực hiện kế hoạch OPLAN 5015 trên trang National Interest: "Tôi cho rằng không nên quá tuân thủ các kế hoạch".
Các nhà hoạch định kế hoạch quân sự luôn lên kế hoạch cho những trường hợp tồi tệ nhất, nhưng họ cũng lên kế hoạch để cung cấp các lựa chọn cho các nhà hoạch định chính sách đối phó với khủng hoảng dựa trên hành động của kẻ thù tiềm năng nhất đến hành động của kẻ thù nguy hiểm nhất. Trong khi luôn có các lựa chọn A, B, C thì những gì được thực hiện lại thường là lựa chọn D, được phát triển dựa trên các kế hoạch A, B, C và việc đánh giá hành động của kẻ thù thực tế.
Globalsecurity.org đã lưu ý: “Mặc dù kế hoạch mới này không tập trung vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn mà chỉ là một cuộc chiến hạn chế, nhưng một cuộc tấn công phủ đầu có thể biến một cuộc đụng độ nhỏ thành một cuộc chiến quy mô lớn. Thật khó để hiểu được làm thế nào để quân đội Hàn Quốc đóng vai trò dẫn đầu, trong khi nếu chiến tranh bắt đầu xảy ra thì Hàn Quốc sẽ không có quyền kiểm soát quân sự.
Nếu điều đó có nghĩa là quân đội Hàn Quốc sẽ tham chiến trên mặt đất trong khi quân đội Mỹ hỗ trợ trên không và trên biển, thì theo lời một số chuyên gia có lẽ kế hoạch này cần phải được cân nhắc lại.
Ngoài ra còn có một số câu hỏi chính trị, đặc biệt là đối với những nước phải hứng chịu từ đòn giáng trả của Triều Tiên. Các nhà lập pháp Hàn Quốc đã rất tức giận khi chính phủ tỏ ra lúng túng khi nói về chi tiết của kế hoạch OPLAN 5015.
Tờ Korea Times nhận định: “Mặc dù kế hoạch mới này không tập trung vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn mà là một cuộc chiến giới hạn, nhưng một cuộc tấn công phủ đầu có thể leo thang một cách tàn khốc không đáng có, từ một cuộc xung đột nhỏ thành một cuộc chiến quy mô lớn cực kỳ nguy hiểm".
Đặng Phương Thảo - VietTimes