Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; kế thừa và phát huy truyền thống hoà hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Vận dụng và phát huy sáng tạo những bài học kinh nghiệm vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Bài học cho ngày hôm nay, gồm:
Thứ nhất, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường cách mạng xây dựng và bảo vệ đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua 9 năm kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ (1945 - 1954), Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương.
Một nửa nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, thắng lợi của Chiến dịch là bước đầu cho những thắng lợi liên tiếp mang tính lịch sử, bước ngoặt của dân tộc Việt Nam trong công cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và kiến quốc: đỉnh cao Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Từ năm 1986, khi cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, vận dụng tinh thần anh dũng, bất khuất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng đưa đất nước phát triển nhanh, bền, vững; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố và nâng cao. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sự kế thừa, phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư hiện nay, vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết, là yêu cầu khách quan và thách thức lớn của sự phát triển, được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Trong quá trình triển khai công cuộc đổi mới, Đảng ta đã lựa chọn chiến lược phát triển đất nước theo hướng nhanh và bền vững để thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Qua quá trình đổi mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế khuyết điểm, Đảng ta đã rút ra một số bài học quan trọng, trong đó, bài học đầu tiên là “Phải chủ động, không ngừng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”.
Như vậy, nhận thức, quan điểm về phát triển nhanh và bền vững của Đảng ta vừa có sự kế thừa nhận thức và xu hướng chung của thế giới vừa có sự vận dụng, bổ sung, phát triển, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, cần được vận dụng sâu sắc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, trong thời gian tới, cần quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long… đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng và Nhà nước trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường trong điều kiện mới.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, sự đoàn kết và kỷ luật là cội nguồn sức mạnh của Đảng và là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi vậy, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, từng tổ chức đảng và từng đảng viên phải chủ động ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Qua đó, tập hợp lực lượng, tạo xung lực chính trị và tinh thần, phát huy trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn, thách thức phức tạp phát sinh; kinh tế thế giới giảm sút, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp; cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, đặc biệt cuộc xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga có thể kéo dài, tác động đến chính trị, kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững.
Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng nâng cao cảnh giác, phát huy cao độ nội lực; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững và tăng cường đoàn kết quân dân, đoàn kết hữu nghị với nhân dân và quân đội các nước; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Chỉ có đoàn kết và kỷ luật là cội nguồn sức mạnh của Đảng và là hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, chúng ta cần tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với việc tập trung vào nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, phải thường xuyên coi trọng nhiệm vụ củng cố, tăng cường an ninh, quốc phòng, trong đó quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”; luôn chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội; nghiên cứu sự phát triển của khoa học quân sự hiện đại thế giới, các hình thức chiến tranh kiểu mới, vận dụng và phát triển sáng tạo kinh nghiệm quý báu của hai cuộc kháng chiến, hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị cho các lực lượng vũ trang, cho đất nước sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược mà kẻ địch có thể gây ra, bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta phải có ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên, xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng. Biến quyết tâm thành hành động, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tập trung xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế.
Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tạo mọi thuận lợi để người dân và doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Phát triển toàn diện, hài hòa kinh tế với văn hóa, xã hội, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng, vùng bị thiên tai. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch, phù hợp thực tiễn đất nước và thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Tăng cường củng quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế và đối ngoại. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nền tảng chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân Việt Nam được phát huy lên tầm cao mới.
Thứ ba, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là bài học lớn trong chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh; xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến thẳng lên hiện đại.
Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng theo hướng mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, ngày càng hiện đại.
Chú trọng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói giảm nghèo, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Tổ chức lực lượng vũ trang hợp lý, đồng bộ, cân đối giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, các quân, binh chủng phù hợp với yêu cầu tác chiến mới.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nền tảng chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân Việt Nam được phát huy lên tầm cao mới.
Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng theo hướng mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, ngày càng hiện đại. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, biên giới, biển đảo. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ, trong đó cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở; tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh; phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, có cơ cấu, thành phần hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, bảo đảm thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong đó, đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang. Xây dựng Đảng bộ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các tổ chức đảng trực thuộc thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng và lực lượng; tổ chức, sắp xếp biên chế Quân đội theo hướng: tinh, gọn, mạnh, phù hợp với điều kiện tác chiến mới.
Sức mạnh của Quân đội ta là kết tinh của nhiều nhân tố. Cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, tăng cường khả năng và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, hiếu nghĩa với nhân dân; tiếp tục thực hiện phương châm Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tiếp tục điều chỉnh tổ chức, bố trí lực lượng hợp lý, cân đối giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; giữa lục quân và các quân chủng, binh chủng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu. Đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, khai thác và phát triển nghệ thuật quân sự dân tộc đặc sắc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa quân sự thế giới và những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao hơn nữa sức mạnh chiến đấu tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân nhằm đối phó và đánh bại chiến tranh công nghệ cao.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua quyết thắng và hoạt động của các tổ chức quần chúng với nội dung, hình thức phong phú, hướng mạnh về cơ sở.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng vững mạnh về mọi mặt, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Quân đội nhân dân không chỉ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, mà còn thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, thiết thực góp phần xây dựng đất nước, nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chúng ta giữ được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, là nhờ có công lao và sự đóng góp, hy sinh to lớn của các lực lượng vũ trang nhân dân, của những cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.
Thứ tư, là cơ sở để phát triển nền ngoại giao Việt Nam và hội nhập với quốc tế trong thời đại ngày nay.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn gắn liền với một chiến thắng khác - chiến thắng trên lĩnh vực ngoại giao - chiến thắng của nền ngoại giao hoà bình, hòa hiếu Việt Nam cũng diễn ra cách đây đúng 70 năm. Đó là Hội nghị Giơnevơ đưa đến ký kết Hiệp định Giơnevơ “Về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương” (21/7/1954).
Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam và Hiệp định Giơnevơ dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam nói chung, của nền ngoại giao hòa bình, hòa hiếu Việt Nam nói riêng.
Thiện chí, tư tưởng yêu chuộng hòa bình, phương châm hoà hiếu trong xử lý các mối quan hệ quốc tế vốn đã trở thành truyền thống và bản sắc của dân tộc Việt Nam đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa phát huy, phát triển, tạo thành con đường đưa đến Hội nghị và Hiệp định Giơnevơ năm 1954.
Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta là cuộc đấu tranh vì chính nghĩa. Chính nền tảng chính nghĩa đó đã đưa Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc kháng trường kỳ đó. Trong cuộc đấu tranh không cân sức với thế lực bạo tàn, nhân dân ta đã chịu nhiều mất mát hy sinh, nhưng chính nghĩa của Việt Nam ngày càng ngời sáng, thế và lực của Việt Nam ngày càng hùng hậu; sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, của lực lượng yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đối với chúng ta ngày càng mạnh mẽ. Tuy vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn kiên trì thiện chí hòa bình, mong muốn đàm phán với Chính phủ Pháp để sớm kết thúc cuộc chiến tranh.
Chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là sức mạnh quân sự của một Việt Nam hiếu chiến, mà đó là lời cảnh tỉnh cho quân đôi xâm lược về một Việt Nam muốn đàm phán và buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán. Đây chính là bước ngoặt cho nền ngoại giao Việt Nam trong công cuộc kháng chiến kiến quốc của Việt Nam và đó là cơ sở tiếp nối cho ngoại giao trong thời kỳ mới.
Việt Nam trong những năm vừa qua đã đạt được những thành tựu dấu mốc, tốc độ tăng trưởng khá cao trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam trở thành một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Nhìn chung, Việt Nam trở thành một quốc gia được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; văn hoá - xã hội phát triển, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Hiện nay, Việt Nam đã quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các nước G20, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sức mạnh dân tộc cần phải gắn kết chặt chẽ với sức mạnh thời đại. Chúng ta phải tập trung quán triệt thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng với phương châm: độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hướng tới đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, song phương; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thông qua đó, tận dụng các nguồn lực và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo môi trường hòa bình, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài viết của Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đăng trên VOV.vn