Tăng trưởng và phục hồi kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh. Ảnh minh hoạ
Tăng trưởng và phục hồi kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh. Ảnh minh hoạ.

Chính phủ nhận định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng nhưng tình hình trong nước sẽ có nhiều thách thức khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Trong khi đó, sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút.

Dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn, Chính phủ nhận định sẽ tiếp tục phải ứng phó dịch bệnh trong khi sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Tăng trưởng và phục hồi kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ xác định tiêm chủng vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh thành công để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.

Ngoài ra, nền kinh tế sẽ được cơ cấu lại gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng quản lý nợ công.

Năm 2021, kinh tế xã hội đối diện với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn lao động. Do đó, một trong những giải pháp năm 2022 là bảo đảm an sinh xã hội, an dân, khôi phục và ổn định thị trường lao động, cơ cấu lại lao động, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ lương thực, nhà ở, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh... được triển khai kịp thời với mục tiêu "không để sót đối tượng, địa bàn hỗ trợ".

Chính phủ cũng đề cập đến việc phát triển đồng bộ, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản... và hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý các thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, một trong số giải pháp là thu hút các nguồn lực, nhất là từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Các dự án hạ tầng trọng điểm, tăng kết nối vùng, liên vùng; các dự án nguồn điện, lưới điện trọng điểm và phát triển hạ tầng thương mại gắn với đa dạng hoá mô hình phân phối hiện đại... sẽ được đẩy nhanh đầu tư, triển khai. Năm nay Chính phủ cũng sẽ hoàn thành phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Lĩnh vực giáo dục trong năm 2022 sẽ được đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số trong dạy và học; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo quốc gia...

Các bộ, ngành, địa phương sẽ cơ cấu lại bộ máy, tinh giản biên chế và xác định vị trí việc làm làm cơ sở tinh giản và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Minh Đức