THCL Hoạt động buôn lậu trải qua các bước trong quy trình mua bán hàng hóa thông thường; song khi sử dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, nó còn có thêm những thủ đoạn riêng.

Đánh trúng tâm lý NTD

Khác với phương thức buôn lậu thông thường, cách thức buôn lậu thông qua lĩnh vực thương mại điện tử đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần vài cú click chuột trên màn hình có kết nối Internet, chủ hàng có thể nhanh chóng tìm được nguồn hàng thông qua các website bán hàng có chức năng thanh toán trực tuyến. Hiện nay, nguồn hàng lậu trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu thông qua 2 chợ điện tử nổi tiếng của Trung Quốc là http://www.taobao.com và http://www.alibaba.com với đầy đủ các loại hàng hóa từ hàng công nghiệp như vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, linh kiện điện tử, đến hàng gia dụng như xoong nồi, bếp, các sản phẩm thời trang, làm đẹp như quần áo, giày dép, son môi, thậm chí cả thực phẩm chức năng. Giá cả tại các chợ điện tử này rẻ hơn so với các chợ truyền thống do tiết kiệm chi phí thuê địa điểm, người bán hàng…

Sau khi xác định nguồn hàng, chủ hàng cần xác định được nguồn tiêu thụ. Đối với buôn lậu truyền thống, sau khi hàng lậu về tới Việt Nam, chủ nhận hàng vận chuyển đi tiêu thụ, chủ yếu tại các chợ đầu mối, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại. Trong khi buôn lậu qua thương mại điện tử thì hàng lậu được chuyển thẳng đến cho người tiêu dùng, bởi trước khi về tới Việt Nam, người tiêu dùng đã phải trải qua khâu order (đặt hàng) trước đó khoảng 1 - 2 tuần.

Người tiêu dùng sẽ đặt hàng hóa qua các chủ shop online (cửa hàng trực tuyến), tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…, dễ dàng bị cuốn hút bởi các quảng cáo “hàng chính hãng”, “hàng xách tay rẻ nhất”, “phí ship (phí vận chuyển hàng) thấp nhất”, “giao hàng tận tay, sớm nhất”… Sau khi khách đồng ý, các chủ shop online sẽ đặt hàng tại các chợ điện tử, rồi nhận về, chuyển tới tay khách hàng, thanh toán có thể dùng tiền mặt hoặc chuyển khoản thông qua ngân hàng.

Tiếp tay cho buôn lậu

Để vận chuyển hàng tới khách qua mạng, các chủ shop online bố trí đội quân chuyên “order”, thường là sinh viên, biết ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Trung, Nhật, Anh; những người này sẽ tiếp nhận và đặt hàng qua mạng bằng cách vào các website đã được bên nhận order cung cấp với 1 bản gồm các link sản phẩm, số lượng… thông qua email, facebook, yahoo, zalo, viber…

Sau đó, bên order có trách nhiệm đặt hàng theo yêu cầu của người đặt hàng, thanh toán với bên bán ở nước ngoài thông qua các tài khoản họ đã lập ra và thông báo trên các website mua bán. Với mỗi lần đặt hàng như vậy, họ đều đã gom được nhiều đơn hàng nhằm được chiết khấu nhiều hơn, giảm chi phí vận chuyển… Những người nhận order thường có một đội quân chuyên nhận tập kết hàng và chuyển hàng về Việt Nam, chủ yếu ở Trung Quốc, làm việc độc lập, nhận vận chuyển trung gian cho nhiều chủ hàng. Đội quân này thường vận chuyển hàng qua biên giới bằng cách mang vác, dùng các phương tiện như xe máy, xe đạp… qua các đường mòn, lối mở biên giới, sau đó đưa lên các xe khách, chở về kho hàng của đội quân order ở Việt Nam. Sau khi hàng về đến kho, chủ shop được thông báo sẽ trực tiếp đến nhận hoặc thuê người ship hàng đến nhận hàng về, phân loại rồi gửi hàng cho khách qua dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện, hoặc qua người lái xe ôm…

Mua hàng qua mạng có một số thuận lợi như giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nhiều lựa chọn vì hàng hóa rất phong phú, đa dạng. Nhưng mua bán qua chợ điện tử tạo điều kiện cho buôn lậu trong lĩnh vực thương mại gia tăng trong thời gian vừa qua. Buôn lậu theo phương thức này vừa mang nét đặc trưng của buôn lậu truyền thống, vừa có nét đặc trưng riêng của lĩnh vực thương mại điện tử. Việc phát hiện, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu trong lĩnh vực thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các lực lượng chức năng chống buôn lậu cần nghiên cứu phương thức, thủ đoạn và áp dụng các biện pháp đấu tranh phù hợp, bảo đảm hiệu quả trong thời gian tới.

Linh Tuệ - Lệ Quyên (Thương hiệu & Công luận)