Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến người tiêu dùng cảm thấy e ngại khi phải đến các siêu thị, chợ hay cửa hàng để mua sản phẩm trực tiếp thì nhiều cơ sở kinh doanh đã mạnh dạn mở các “sạp” bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada,... để thúc đẩy lượng tiêu thụ của sản phẩm.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2021 là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2020).

Trong đó, diện tích vải sớm 6.050 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.200 ha, sản lượng ước đạt 125.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ vải thiều trên sàn thương mại điện tử cũng được địa phương nhấn mạnh bên cạnh việc phân phối tại các chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống…

Bên cạnh đó, trái mận hậu và xoài tròn Yên Châu của tỉnh Sơn La cũng được mở bán trên sàn thương mại điện tử Shopee và chỉ sau 1 ngày đã có gần 1 tấn mận hậu được tiêu thụ. Được biết, các sản phẩm này khi đưa lên sàn thương mại điện tử Shopee và các sàn khác đều được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.

Giữa tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ký kết hợp tác triển khai sàn thương mại điện tử có tên miền “backanmarket.vn” nhằm mở ra một hướng đi bền vững cho các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) địa phương. Việc triển khai sàn thương mại điện tử góp phần quảng bá và phân phối các sản phẩm đến với khách hàng trên môi trường số.

Đồng thời, sàn thương mại điện tử cũng giúp đơn vị sản xuất quản lý tốt thông tin dịch vụ và giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, giúp các doanh nghiệp thuận lợi tối đa trong phân phối sản phẩm với chi phí thấp nhất và dễ dàng kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, cung cấp thông tin kết nối các hệ thống hỗ trợ thủ tục hành chính về thuế quan, hải quan, vận tải… cho các đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP.

Cùng với những hoạt động nêu trên, thì mới đây, kênh phân phối trực tuyến cho nông sản Việt Nam tên là “Gian hàng Việt trực tuyến” đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn và Tiki.vn triển khai.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân sẽ được đào tạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; miễn phí mở gian hàng, chi phí vận hành gian hàng trên sàn thương mại điện tử từ 3 đến 6 tháng. Ngoài ra, hợp tác xã, hộ nông dân còn được hỗ trợ 50% chi phí chuyển phát hàng; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng hợp tác với chương trình...

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, việc đưa các sản phẩm, nhất là nông sản lên mạng để bán trong nước và xuất khẩu sẽ là xu hướng. Để thúc đẩy việc này, Cục đang làm việc với sàn Alibaba.com để mở một gian hàng quốc gia trên trang này, nhằm đưa hàng Việt ra thế giới.

Đặc biệt, về lộ trình đưa nông sản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua kênh thương mại điện tử, đại diện Cục thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và EU. 

Cao Huyền