Giáp tết Nguyên Đán, cái lạnh vẫn quấn quýt quanh thành phố Thanh Hóa, phố xá tấp nập người xe qua lại, những cành đào, quất đẹp nhất được đem ra trưng diện khắp nơi. Trong khu nhà vườn ở một góc phố, bộ tác phẩm nghệ thuật “Tứ bất tử” mới được các nghệ nhân hoàn thiện.
Qua lời giới thiệu của chủ nhân các tác phẩm này, bốn gốc cây gỗ quý với tuổi đời hàng trăm năm, đã đến với ông như một cơ duyên trong mỗi dịp đi công tác, du lịch....
Vốn là một người đam mê về văn hóa, nghệ thuật dân tộc, ý tưởng tạo nên một bộ điêu khắc bằng gỗ, phác họa lại các nhân vật lịch sử của dân tộc đã được ông ấp ủ từ rất lâu. Trong đó, hình tượng "Tứ bất tử" ấn tượng với ông qua lời giảng của thầy, cô từ những ngày còn trên ghế nhà trường. Rồi cách đây 7 năm, trong một chuyến đi công tác vào Nam, ông may mắn có được gốc cây gỗ đầu tiên, rồi cứ thế lần lượt các gốc cây gỗ khác đến với ông một cách rất tự nhiên. Năm 2015, khi có đủ 4 gốc cây gỗ quý, đảm bảo đủ chất lượng, kích thước và dáng thế. Ông lặn lội vào Tây Nguyên mời nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng về để thực hiện ý tưởng.
Sau gần 2 năm miệt mài ngày đêm, dưới bàn tay khéo, các nghệ nhân đã thổi hồn vào những gốc cây gỗ nguyên khối tự nhiên ấy và bộ tác phẩm “Tứ bất tử” đã được ra đời.
Bộ tác phẩm này không chỉ mang tới cho người thưởng thức sự mê mẩn, say đắm thông qua từng đường nét chạm khắc tinh xảo, mà sâu sắc hơn ẩn chứa trong mỗi tác phẩm là một câu chuyện lịch sử về các vị thánh được người Việt tôn vinh, ở đó tồn tại giá trị đạo đức làm người, phong tục tập quán và văn hóa, tín ngưỡng của Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Dưới đây là hình ảnh của bộ tác phẩm nghệ thuật “Tứ bất tử” được đánh giá là “Độc nhất, vô nhị vô nhị” ở xứ Thanh:
Đầu tiên là tác phẩm điêu khắc mang tên “Đệ Nhất Tứ Bất Tử Tản Viên Sơn Thánh” được làm từ chất liệu gốc cây gỗ Sao với chiều cao 3,4m và rộng 3,3m.
Tác phẩm này mang ý nghĩa, từ thuở đầu dựng nước để giữa được sự yên ấm, phồn thịnh cần sự đoàn kết trên dưới một lòng chú trọng tới việc phòng chống thiên tai. Với đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân phác họa trong bức điêu khắc cuộc chiến giữa 2 vị thần Sơn tinh và Thủy tinh. Nằm phía trên chính giữa là hình ảnh vị Thánh Tản Viên Sơn Tinh trên tay cầm chiếc búa lớn đứng sừng sững, hiên ngang cùng với sự đồng lòng nhân dân... ở phía hai bên trong tư thế vác đất, đá... ném xuống cản lại dòng nước lớn từ phía dưới của Thủy Tinh hung tợn dâng lên như muốn nuốt chửng tất cả.
Tác phẩm thứ hai mang tên “Đệ Nhị Bất Tử Phù Đổng Thiên Vương”. Chất liệu làm nên tác phẩm này là gốc cây gỗ Cà te với chiều cao 2,5m và rộng 3,5m.
Tác phẩm này mang ý nghĩa về công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Phía trên chính giữa tác phẩm là hình tượng Thánh Gióng với vóc dáng to lớn, hiên ngang, mắt sáng, sắc đang cưỡi ngựa sắt, trên tay cầm cụm tre với tư thế xông thẳng về phía quân thù.
Theo sau Thánh Gióng là sự hỗ trợ, đồng lòng của tướng tài Hùng Linh Công cùng quân lính và người dân nước Nam hừng hực khí thế, chĩa mũi giáo mác, cung tên về phía quân thù. Trong đó, có hình tượng bắt sống tượng giặc Thành Minh vốn hung hãn, ác độc.
Tiếp đến, phía trước Thánh Gióng là hình ảnh tàn binh của giặc Ân xâm lược. Từng đám binh đang vùng vẫy, đau đớn trong biển lửa do ngựa sắt phun ra, còn đám quân giặcthì nét mặt hớt hãi, giẫm đạp lên nhau chạy bán sống, bán chết, nhưng trên tay vẫn mang vác vàng bạc, chó, gà... đã cướp, điều đó bóc mẽ bản chất của lũ xâm lăng với lòng tham vô đáy, dù cái chết cận kề vẫn không chịu buông bỏ.
Phía dưới tác phẩm là hình ảnh xác quân giặc nằm la liệt như rơm, rạ dưới vó ngưạ của vị Phù đổng thiên vương.
Tác phẩm thứ 3 có tên “Đệ Tam Bất Tử Chử Đồng Tử”, tác phẩm này có chất liệu từ gốc cây gỗ Sao Xanh với chiều cao 3,5m và rộng 3,3m.
Tác phẩm thể hiện tình yêu đôi lứa, sự hiếu thuận và tấm lòng bác ái, yêu thương thương đùm bọc nhau trong cuộc sống. Phần dưới tác phẩm, cũng là điểm nhấn là hình ảnh cơ duyên trong lần đầu gặp gỡ giữa nàng công chúa Tiên Dung cao sang, quyền quý và chàng Chử Đồng Tử cơ hàn mà hiếu thảo, đã nhường khố cho cha để rồi phải vùi mình trong cát che thân.
Thuyền rồng đậu bên, phía bãi cát nàng công chúa Tiên Dung đứng cạnh chum nước tắm với nét mặt, dáng người thanh tú, mái tóc buông dài, đôi mắt dịu hiền hướng xuống nhìn chàng Chử Đồng Tử với nửa thân dưới đang vùi trong cát, nửa thân trên lộ ra với khuôn mặt khôi ngô, đôi mặt sáng, phúc hậu. Hai con người ở hai thái cực của xã hội giữa khung cảnh thiên nhiên thật đẹp và phóng khoáng. Tình duyên của họ vượt qua mọi rào cản khuôn phép của xã hội phong kiến họ đến với nhau một cách tự nhiên và rồi tình yêu ấy giúp họ có được cuộc sống hạnh phúc.
Tiếp đến, phía bên phải tác phẩm, nghệ nhân phác họa hình ảnh chàng Chử Đồng Tử với hành trình tầm sư học đạo, để về hành thiện cứu giúp dân lành. Phía trên và trái tác phẩm là hình ảnh con rồng khổng lồ cõng tòa lâu đài tráng lệ và gia đình Chử Đồng Tử vượt qua tầng mây bay lên trời cao, hưởng cuộc sống viên mãn...
Tác phẩm thứ tư mang tên “Đệ Tứ Bất Tử Mẫu Liễu Hạnh”. Chất liệu tác phẩm được làm từ gốc cây gỗ Gu Hương với chiều cao 3,3m và rộng 4,2m.
Theo truyền thuyết bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân".
Tác phẩm mang ý nghĩa về sự cần vương của người phụ nữ dám bản lĩnh bứt phá, xóa bỏ tục lệ, cổ hủ đối với quan niệm về trí tuệ, vai trò, vị trí của người phụ nữ dưới thời đại phong kiến, tiếp đến việc hành thiện giúp đời thông qua 3 lần Mẫu Liễu Hạnh xuống trần. Cả tác phẩm xuyên suốt lại truyền thuyết về cuộc đời thăng trầm, gian truân và đặc biệt là những công đức trong mỗi một lần xuống trần của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Từ đạo hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương chồng con, quê hương đất nước, sẵn sàng giang tay giúp đỡ, cứu khổ, cứu nạn những người có hoàn cảnh khó khăn... đến thể hiện trí tuệ, bản lĩnh người phụ nữ khi giúp dân xây dựng cầu, đường, kênh mương... khai hoang di dân lập ấp, làm những việc phi thường mà "cánh mày râu" cũng phải khâm phục.
Nguyễn Hưng - Nguyễn Thuấn