Thời gian gần đây, khi các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không bị kiểm soát gắt gao, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Hàng lậu chủ yếu là linh kiện điện tử, áo quần, vật tư y tế và xuất xứ từ Trung Quốc.

Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô lớn, có tổ chức đặc biệt tại các tuyến, địa bàn trọng điểm chủ yếu trên tuyến đường sắt từ biên giới Lạng Sơn về Hà Nội và tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai.

Nhằm tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng, các đầu nậu, đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa nhập lậu tại các địa bàn giáp ranh Hà Nội, xa trung tâm, sau đó tìm cách xé lẻ, ngụy trang, vận chuyển bằng đường sắt.

Theo thông tin từ Phòng Hướng dẫn và tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt (Phòng 9, Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã phát hiện đoàn tàu chở hàng mang số hiệu HH9 từ Hà Nội đi Bình Dương có biểu hiện nghi vấn, trên tàu có một số container chứa hàng hóa không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu từ nước ngoài đưa vào miền Nam tiêu thụ.

Lực lượng chức năng phát hiện trong 02 container tại ga Sóng Thần chứa hơn 1.400 mặt hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc
Lực lượng chức năng phát hiện trong 2 container tại ga Sóng Thần chứa hơn 1.400 mặt hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc

Theo đó, khi đoàn tàu HH9 vừa xuống hàng xong tại ga Sóng Thần (Bình Dương), thì lập tức cán bộ, chiến sỹ Phòng Hướng dẫn và tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 (tỉnh Bình Dương), Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma tuý (Công an TP. Dĩ An) và Công an phường An Bình, tiến hành kiểm tra phát hiện, trên 2 container chứa 1.431 chủng loại mặt hàng lớn nhỏ, bên trong có hàng trăm loại sản phẩm như quần áo, giày dép, các linh kiện điện tử, linh kiện xe ô tô, đồ chơi kích dục… với nhiều chủng loại, tổng trị giá ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ xuất xứ nguồn gốc lô hàng khủng này.

Theo kết quả điều tra ban đầu, lực lượng chức năng xác định, 2 chiếc container trên là do Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội – Chi nhánh dịch vụ vận tải đa phương thức ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá cho Công ty TNHH IQMax và Công ty TNHH MTV Logistics Viettel.

Tiếp đó, trong những ngày cuối năm 2022, tại khu vực ga Giáp Bát, Phòng Hướng dẫn và tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cũng đã phối hợp với Đội QLTT số 15, 17 (Cục QLTT Hà Nội), phát hiện và tạm giữ 519 máy lọc không khí, 11 máy giặt và 54 chiếc quạt điện. Tất cả số hàng hoá này đều không có hoá đơn, chứng từ.

Gần đây nhất, Phòng 9 (Cục Cảnh sát giao thông) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Công an TP. Hồ Chí Minh), phát hiện 420 kiện hàng hoá gồm quần áo, đồ chơi, giày dép các loại. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.

Trong buổi chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ389/QG) vào sáng 11/5, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ rất khó khăn, do những người thực hiện hành vi vi phạm thu được lợi ích cực kỳ lớn, đồng thời người tiêu dùng thường có xu hướng tìm đến mặt hàng giá rẻ trong lúc khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng tốt yêu cầu trước thực tế hiện nay, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải nỗ lực cố gắng, quyết tâm nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tuyệt đối không được tiếp tay, bao che những hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp quản lý nghiêm cấp dưới, tránh tuyệt đối những hoạt động liên quan đến lợi ích, cám dỗ vật chất.

Ðồng thời, các lực lượng, đơn vị liên quan phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu những lĩnh vực mới có đủ năng lực để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, nhất là với lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, xác lập các chuyên án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, mặt hàng, tụ điểm, đường dây, ổ nhóm buôn lậu.

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tạo sự thống nhất trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cơ quan bảo vệ pháp luật; không buông lỏng địa bàn tạo thành lỗ hổng, gây khó khăn trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu.

Cùng với những giải pháp cụ thể, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để từng người dân trở thành người tiêu dùng thông minh, tự kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, mua bán hàng giả, hàng vi phạm. Ðó chính là giải pháp căn cơ, cốt lõi nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong giai đoạn mới, nhằm góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế - xã hội...

Đánh giá cao vai trò của truyền thông trong thời gian qua, Phó thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh để làm sao từng người dân trở thành người tiêu dùng thông minh, tự kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bởi đây mới là giải pháp căn cơ, cốt lõi để đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngọc Linh