Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Chủ động các kịch bản điều hành giá

Theo dự báo, tuy năm 2018 khó có thể có những “cú sốc” đẩy mặt bằng giá tăng cao đột biến tạo ra những “cơn sốt” về giá, nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động bất lợi. Vì vậy, việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp trong điều hành, kiểm soát thị trường, giá cả là rất cần thiết.

Chủ động các kịch bản điều hành giá - Hình 1

Thị trường hàng hóa năm 2018 sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố. (Ảnh minh họa)

Không ít yếu tố tác động

Thị trường hàng hóa năm 2018 sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố. Trước hết, xu hướng tăng giá của nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới từ cuối năm 2017 tiếp tục kéo sang năm 2018. Thời tiết diễn biến cực đoan hơn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp và theo đó, ảnh hưởng đến cung - cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý giá (điện, y tế, giáo dục…) tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình; 17 nhóm phí chuyển sang giá sẽ điều chỉnh tăng theo giá thị trường.

Mặt bằng giá thực phẩm năm 2017 thấp sẽ là thách thức lớn cho nhóm hàng này trong năm 2018, do tính bình quân so với cùng kỳ và đây là nhóm hàng có tỷ trọng lớn trong cơ cấu CPI. Thêm vào đó, khả năng tăng thuế VAT làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng nói chung.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ BHYT tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tác động vào CPI khoảng 0,17%. Giá dịch vụ khám chữa bệnh có thể tính thêm chi phí quản lý vào trong giá trong năm 2018 theo lộ trình. Việc tăng giá điện, giá xăng dầu vào cuối năm 2017 sẽ tác động trễ tới CPI 2018. Giá điện tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 dự kiến sẽ làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1%; tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào.

Về yếu tố tỷ giá, với nguồn cung ngoại tệ dồi dào đặc biệt từ các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp khi có nhiều cơ hội đầu tư từ thoái vốn, cổ phần hóa DNNN sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối. Mặt khác, đồng USD có thể sẽ mạnh lên trở lại khi FED tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2018. Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng nhẹ cũng ảnh hưởng nhất định đến giá hàng hóa nhập khẩu, từ đó tác động tới mức tăng giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam: Ở trong nước, tiềm ẩn nguy cơ đẩy lạm phát cao như mở rộng tín dụng, tỷ giá, tác động vòng tiếp theo của việc điều chỉnh giá điện, thực hiện lộ trình lương tối thiểu, lộ trình giá thị trường đối với một số giá hàng hóa dịch vụ Nhà nước còn định giá… Cộng với những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều tiết giá năm 2017, để kiểm soát CPI năm 2018, ngoài việc tiếp tục xử lý nguồn gốc sâu xa của lạm phát là cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trường, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô; nếu tiếp tục triển khai đồng bộ có hiệu quả một số giải pháp điều tiết lớn ngay từ những tháng đầu năm thì mục tiêu kiểm soát CPI năm 2018 tăng 4% là có tính khả thi.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dù mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2017 đã thành công - ở mức 3,5%, song lo ngại CPI bình quân năm 2018 sẽ chịu nhiều áp lực vẫn đang hiện hữu nếu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương không chủ động kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với nhau trong điều hành giá cả các mặt hàng.

“Khi kinh tế 2017 đã thực sự khởi sắc, thì câu hỏi đặt ra trong lúc này là kinh tế 2018 liệu có tiếp tục đà bứt phá đó? Những thách thức đang đặt ra vẫn còn nhiều nếu không kịp thời có giải pháp để vượt qua, thì khó khăn sẽ đè nặng lên kinh tế trong năm 2018. Nhiệm vụ là vô cùng nặng nề. Bởi kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng 6,5 - 6,7% trên nền tăng trưởng cao của GDP 2017 là không hề dễ, nhất là động lực tăng trưởng đã tới hạn”, ông Long băn khoăn.

Điều hành đi vào thực chất

Đề cập tới nhiệm vụ điều hành giá cả thị trường năm 2018, trước hết là giá cả Tết Mậu Tuất sắp đến, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng: “Căn cứ vào lượng hàng hóa và năng lực của hệ thống phân phối hiện nay và sức mua của thị trường thì khả năng có những đột biến về giá là khó có thể xảy ra, nhất là nhóm hàng hóa công nghiệp tiêu dùng hàng bách hóa, may mặc và dụng cụ gia đình.

Một số mặt hàng tươi sống mà hệ thống siêu thị những ngày cận Tết không có đầy đủ như ngoài thị trường tự do như gà ta, thủy hải sản, rau củ cao cấp, thịt bò loại ngon…, khả năng sẽ tăng giá từ 10 - 20% là điều có thể xảy ra trước và sau Tết Âm lịch.

Sự chuẩn bị của các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác với một lượng hàng hóa lớn, tuy nhiên cũng cần phải làm rõ, trong quỹ hàng hóa đó thì hệ thống thương mại nhà nước, các siêu thị mà địa phương điều hành được nắm giữ bao nhiêu phần trăm? Có áp đảo được thị trường tự do hay không? Ai quyết định giá bán của quỹ hàng hóa đó? Mạng lưới phân phối có phủ khắp các thị trường trong địa phương hay không?”…

Về chỉ tiêu CPI 2018 đạt mức 4%, ông Phú nhận định, đây là mức phấn đấu hợp lý, có thể đạt được. Để thực hiện, đòi hỏi việc điều hành giá cả thị trường phải đi vào thực chất, đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo nguồn cung ổn định cộng thêm quỹ hàng hóa nhập khẩu có kiểm soát, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt, kiểm soát hàng lậu hàng giả một cách nghiêm minh.

Để thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI trong năm nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần đảm bảo có đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong mọi tình huống, mọi thời điểm trong năm và những vùng xảy ra bão lụt. Trên cơ sở dự báo tốt nhu cầu từng loại hàng hóa và áp dụng các biện pháp điều hòa cung - cầu, không thể xảy ra tình trạng thiếu hàng dẫn đến “sốt giá”, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, du lịch…

Tiếp tục cắt giảm thuế theo lộ trình, cắt giảm phí, lệ phí không hợp lý, giảm phí BOT; có biện pháp thúc đẩy các địa phương chuyển hẳn cơ chế thu phí sang áp dụng cơ chế giá theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ công đã được quy định chuyển phí sang giá.

Chuyên gia Ngô Trí Long chỉ rõ: Công tác quản lý, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường, đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời. Điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung - cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính.

Trong đó, cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá… Tất cả các mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước định giá trong năm 2018, cần điều chỉnh cho phù hợp theo từng thời điểm, tránh hiện tượng đưa vào thời điểm cao độ dẫn đến phản ứng dây chuyền. Phải theo dõi sát sao thị trường, không để xảy ra biến động.

Ngoài ra, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính vẫn là ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. NHNN tiếp tục nỗ lực neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp hợp lý, nhằm giảm rủi ro và bất định cho nền kinh tế; không bơm tiền ra thị trường ồ ạt dẫn đến tình trạng không hấp thụ được.

Trước những áp lực lên lạm phát, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, NHNN cần chủ động và phối hợp chặt chẽ trong đánh giá tình hình giá cả, xây dựng các phương án điều chỉnh giá, có sự tính toán, thống nhất và báo cáo Chính phủ trước khi điều chỉnh.

Chuyên gia Ngô Trí Long: "Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có hơn, mức thu nhập bình quân tăng… Do đó, sẽ thúc đẩy khả năng mua sắm, tiêu dùng nội địa tăng theo là giải pháp nên được tính đến. Trong năm 2018 và những năm tới, xu hướng này vẫn tăng sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước".

Trần Nguyên

Bài liên quan

Tin mới

Venezuela mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là nông nghiệp với Việt Nam
Venezuela mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là nông nghiệp với Việt Nam

Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela Tatiana Pugh Moreno khẳng định: Venezuela "rất trân trọng hình ảnh, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh"; hình ảnh của Bác Hồ là biểu tượng gợi nhớ đến dân tộc Việt Nam rất anh hùng, gan dạ.

Cảnh báo tình trạng xưng danh cảnh sát giao thông thông báo phạt nguội để lừa đảo
Cảnh báo tình trạng xưng danh cảnh sát giao thông thông báo phạt nguội để lừa đảo

Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo và thông báo phạt nguội giao thông, tránh mắc bẫy của những đối tượng xấu.

Bắt giữ 2 đối tượng mua bán hơn 6.500 viên ma túy
Bắt giữ 2 đối tượng mua bán hơn 6.500 viên ma túy

Ngày 17/4, Công an TP. Sơn La chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh Sơn La đã phá thành công Chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi "Mua bán trái phép ma túy".

Tạm hoãn xuất cảnh đối với Giám đốc Công ty TNHH 1TV Việt Mỹ - Hạ Long
Tạm hoãn xuất cảnh đối với Giám đốc Công ty TNHH 1TV Việt Mỹ - Hạ Long

Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh vừa ra Thông báo số 3734, 3735, 3748/TB-CTQNI ngày 16/4/2024 gửi Cục Quản lý xuất cảnh, Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với các giám đốc các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn.

Phá chuyên án về ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn
Phá chuyên án về ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn

Công an TP. Hà Nội vừa thông tin kết quả ban đầu khám phá chuyên án 986H về ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn ở Hà Nội.

Giá sầu riêng giảm sâu đâu là nguyên nhân?
Giá sầu riêng giảm sâu đâu là nguyên nhân?

Tính đến giữa tháng 4/2024 các loại sầu riêng của Việt Nam đều rớt giá 50% so với đầu tháng Tư, dù rớt giá nhưng theo các chuyên gia người trồng vẫn có lãi, chỉ có điều không còn lợi nhuận "khủng" như thời gian trước.