Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc với Ban chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 6 tháng đầu năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được một số kết quả tích cực; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiềm ẩn phức tạp, cả về quy mô, tính chất phạm vi.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các lực lượng cần chủ động ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả với các mặt hàng thiết yếu, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các lực lượng cần chủ động ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả với các mặt hàng thiết yếu, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, đồng chí Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng thực hiện các nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xây dựng các biện pháp, chương trình, kế hoạch cụ thể trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, cũng như khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả để phòng chống một cách có hiệu quả, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Trước mắt, cần chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, sỹ quan có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo nội bộ trong sạch vững mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, thị trường nội địa, nhất là sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát.

Các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát và kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm.

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để người dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất – kinh doanh hàng giả.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu, đôn đốc các kế hoạch đang triển khai liên quan đến: Kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; buôn lậu, sản xuất, kinh doanh nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử...

 Hải Minh