Chủ động phòng chống thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giả - Hình 1

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2018, các địa phương và lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hơn 1.400 vụ, xử lý 306 vụ với 306 đối tượng vi phạm về lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, riêng về phân bón đã kiểm tra 958 vụ, phát hiện và xử lý 171 vụ vi phạm, với số tiền phạt hành chính khoảng 1,8 tỷ đồng; các ngành chức năng còn tịch thu 100 tấn phân bón nhập lậu, tiêu hủy 500 tấn…

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn diễn biến khá phức tạp. Trong đóm, nổi lên là hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng kém chất lượng, nhái nhãn hiệu nổi tiếng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn cho nông dân, các doanh nghiệp chân chính, nền sản xuất nông nghiệp và đời sống, sức khỏe nhân dân.

Đối với phân bón, hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo quy định, tại địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang...

Về phương thức, thủ đoạn, các đối tượng thường lợi dụng qui định của pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón kém chất lượng; trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón...; đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau để khi có sản phẩm bị phát hiện sẽ thay thế bằng loại khác hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Đặc biệt, các đối tượng này chỉ sản xuất một lô duy nhất, với số lượng nhất định (không sản xuất lại, không lưu mẫu theo qui định), bán cho một doanh nghiệp, đại lý kinh doanh phân bón duy nhất tại địa phương khác để cung cấp cho người tiêu dùng; ký hợp đồng bán phân bón cho các đơn vị đầu tư để cung ứng trực tiếp cho người sử dụng phân bón, không đưa ra lưu thông trên thị trường; bán phân bón cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng lại thỏa thuận ký hợp đồng gửi kho nhằm trốn thuế nhà nước và tiêu thụ sản phẩm phân bón kém chất lượng; lợi dụng nhận thức, hiểu biết hạn chế; tâm lý ham hàng hóa giá rẻ của số người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi để quảng cáo, đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn (trích khấu, cho nợ gối đầu), nhằm buôn bán phân bón thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt, sông suối mùa khô cạn và mối quan hệ thân tộc của cư dân trên tuyến biên giới phía Bắc để vận chuyển trái phép thuốc BVTV qua biên giới; lợi dụng quy định “Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”, biên độ quá lớn (từ 30 % trở lên) mới được coi là hàng giả” để sản xuất, kinh doanh sản phẩm phân bón kém chất lượng nhằm tránh bị xử lý hình sự khi bị kiểm tra, phát hiện; lợi dụng quy định về kiểm định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chức năng để sản xuất phân bón kém chất lượng.

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp rà soát, đánh giá những bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật về phân bón, thuốc BVTV. Từ đó, đề ra những giải pháp phòng chống việc kinh doanh thuốc BVTV, phân bón giả một cách hiệu quả; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về phân bón, thuốc BVTV phù hợp với tình hình thực tế. Song song đó, có cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phân bón hữu cơ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học...

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các hiệp hội, cơ quan báo chí... tổ chức nhiều đợt phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV; tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân nhận thức và biết cách phân biệt phân bón, thuốc BVTV là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...

Đồng thời, tổ chức vận động người dân tham gia phong trào “phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng...

Phan Chinh