THCL  “Sự thay đổi tích cực, nhanh chóng của đất nước, không chỉ tạo dựng niềm tin đối với hơn 5 triệu kiều bào, mà còn chứng minh đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước về quyết tâm đổi mới, để hội nhập và phát triển thành công trong kỷ nguyên mới”.

Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với hơn 600 kiều bào đang sinh sống, học tập và làm ăn tại các quốc gia về tham dự chương trình họp mặt Xuân với chủ đề “Thành phố mang tên Bác – Khát vọng ngời sáng” - được tổ chức vừa qua, tại TP. HCM.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và đánh giá cao những trí tuệ và sáng kiến mà đội ngũ kiều bào đã đóng góp vào quá trình đổi mới và phát triển đất nước trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch nước: Kiều bào là bộ phận không thể thiếu, góp phần đưa VN hội nhập thành công - Hình 1

Hơn 600 kiều bào đã về tham dự họp mặt Xuân Đinh Dậu vừa qua, tại TP. HCM và đều bày tỏ mong muốn được góp phần vào công cuộc xây dựng và hội nhập của quê hương (Ảnh:Bảo Lan)

Chủ tịch nước khẳng định: “Đội ngũ kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam có ở khắp nơi trên thế giới, khi có một đội ngũ đông đảo kiều bào là những chuyên gia, trí thức. Họ có điều kiện tiếp cận nhanh nhất với các công nghệ tiên tiến và tri thức tiến bộ; là nhân tố không thể thiếu để góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.

Đồng thời, Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn: “Cộng đồng kiều bào hãy tiếp tục sống cho thật xứng đáng là con Lạc cháu Hồng và tiếp tục đem trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm của mình, chung tay cùng nhân dân cả nước xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, góp phần đưa Việt Nam hội nhập thành công”.

Tại sự kiện, đông đảo kiều bào chia sẻ với Chủ tịch nước và bày tỏ mong muốn được đóng góp vào công cuộc kiến thiết đất nước. Tuy nhiên, cũng không ít kiều bào còn quan ngại và cho rằng, việc thẩm quyền chồng chéo, các chính sách chưa có tầm nhìn lâu dài, chính sách đối ngoại vẫn chưa phát huy tốt... Đó chính là lý do mà nhiều kiều bào vẫn “ẩn nấp” và còn ngần ngại.

Như GS. Nguyễn Đức Khương, kiều bào tại Pháp, chia sẻ: “TP. HCM là một thành phố phát triển theo dòng chảy của lịch sử Việt Nam - đó chính là cơ hội để giao thoa văn hóa nên chúng ta phải biết "Mơ xa, nghĩ lớn và hành động khôn ngoan", chính là mục tiêu để Việt Nam nghĩ đến khi tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế”.

Kiều bào Nguyễn Như Khuê cho biết, ông rời Việt Nam và định cư ở Đức từ thập niên 70 của thế kỷ trước và sau 20 năm quay về Việt Nam, tham gia đầu tư: “Các chính sách đầu tư của Việt Nam ngày càng khơi thông hơn. Đó thật sự là một bước thành công. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiện nay ở các bộ, ngành, địa phương vẫn còn thái độ ứng xử phân biệt, tạo ra những rào cản không đáng có, khiến cho khao khát cống hiến của chúng tôi nhụt chí và nản lòng”.

Ông Khuê nêu một thực tế, hiện ông đang có đề án để xây dựng công trình“Nhựa tự phân hủy sinh học” tại khu SHTP Tp.HCM,  dùng cho những ứng dụng sản xuất bao bì, tã em bé, băng vệ sinh, cũng như công trình sản xuất ra các sản phẩm màng nhựa thoát hơi, vải polymer không dệt…. Tuy nhiên, do đối tác rút vốn bất ngờ nên dự án của ông bị chậm và bị rút giấy phép, dù ông vẫn đang triển khai thực hiện hạ tầng và các công trình thuộc dự án.

“Tôi đang cố gắng hoàn thiện đề án và mong muốn lãnh đạo của SHTP, cũng như chính quyền thành phố nghiên cứu, để đề án của tôi triển khai thành hiện thực. Bởi đó chính là động lực để đội ngũ kiều bào chúng tôi yên tâm và có niềm tin, khi muốn về Việt Nam đầu tư, làm ăn và thậm chí là sinh sống”, ông Khuê cho hay.

Được chứng kiến những đổi thay của đất nước, không khỏi xúc động, ông Dương Minh Chánh, kiều bào tại Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng cho biết, ông rất tự hào về những thành quả mà đất nước đã đạt được trong hơn 40 năm thống nhất.

"Tuy nhiên, để xây dựng thành công một chính phủ kiến tạo, sẵn sàng đổi mới để đưa Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế thành công, tôi cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách, cơ chế về thu hút nguồn lực chất lượng cao, các công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ số… để không "chảy máu" chất xám mà Việt Nam đang sở hữu. Đó là những du học sinh, kiều bào trí thức…”, ông Chánh chia sẻ.

“Bên cạnh một lượng kiều hối, thì một nguồn nhân lực trí thức từ sinh viên, các nhà khoa học muốn về làm việc và cống hiến cho Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ cũng chưa có chính sách cụ thể để giúp họ thực hiện thuận lợi”, ông Chánh nêu ý kiến.

Chủ tịch nước: Kiều bào là bộ phận không thể thiếu, góp phần đưa VN hội nhập thành công - Hình 2

Đại biểu kiều bào Nguyễn Như Khuê (Đức) xúc động trước những đổi thay của đất nước; đồng thời, đề xuất một số giải pháp để thu hút các nhà đầu tư là kiều bào với Chủ tịch nước (Ảnh:Bảo Lan)

Bên cạnh đó, nhiều kiều bào cũng cho rằng, ngay cả trong năng lực cạnh tranh về pháp lý quốc tế của Việt Nam cũng chưa đáp ứng kịp như cầu. “Việt Nam có nhiều cơ hội về giao thương thương mại, nhưng cũng đầy thách thức, khi hàng hóa của Việt Nam có thể bị kiện bất cứ lúc nào”, ông Mr Hồng, kiều bào đến từ Australia nêu.

Ông Hồng cũng đưa ra một vài vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa của Việt Nam bị thua. Thậm chí, hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu đến nước sở tại vẫn có thể bị trả về như các loại hàng hóa nông sản như gạo, trái cây, tôm, cá basa...  Vì vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị đội ngũ tư vấn pháp lý đủ mạnh cho vấn đề hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải là đầu mối, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và chọn lựa thị trường bổ sung để có thể thay thế. 

Ngoài ra, các đại biểu kiều bào còn đề xuất nhiều ý kiến để kiều bào có thể cập nhật, tìm hiểu thông tin về các chính sách của Đảng, Nhà nước, như: Xây dựng được mạng lưới kiều bào tại các nước; tổ chức các hội nghị chuyên sâu; xây dựng các website và phân bổ theo vùng, miền; lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ bằng phương thức xã hội hóa...

ThS Phạm Đỗ Trí, kiều bào tại Canada chia sẻ: “Hiện nhiều nhà đầu tư kiều bào về Việt Nam muốn tham gia làm ăn, nhưng khó có thể để họ dừng chân, khi chúng ta còn quá nhiều bất cập và chưa có chính sách đãi ngộ các nhà đầu tư, các nhà khoa học một cách phù hợp”.

“Không phải chỉ là thay đổi, muốn thay đổi mà là cần phải thay đổi. Vì hiện tại, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém và không hiệu quả nhưng vẫn được ưu ái làm cho nền kinh tế không phát triển, lại càng bị kìm hãm nhiều hơn.

Vì vậy, cần "cởi trói" đầu tư, mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân được phát triển, tạo ra cán cân công bằng giữa khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo cho họ sự mạnh dạn tin tưởng, để có thể mạnh dạn triển khai những ý tưởng”, ông Trí nói...

Bảo Lan