Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên đường thăm Nhật Bản - Hình 1

Ảnh minh Họa

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam muốn tăng cường quan hệ và tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần thắt chặt mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á được thiết lập từ năm 2014. Chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại Nhật Bản, Nhà Vua Akihito và hoàng hậu sẽ tiếp kiến và tổ chức quốc yến long trọng chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/09/1973. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng.

Chuyến thăm Nhật Bản gần đây nhất của nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam diễn ra hồi tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới đất nước mặt trời mọc theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Tháng 11/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tới Đà Nẵng - Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Nhật Bản là nước đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2015 (31/3/2016), Nhật Bản đã cam kết khoảng 29,5 tỷ USD ODA vốn vay cho Việt Nam.

HM