Trao đổi với báo giới ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, cho biết khi hoàn thành, tuyến đường mới này sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn khoảng 20km so với tuyến quốc lộ 6 hiện nay.
Trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình
Đoạn tuyến này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và có vận tốc tối đa 80km/giờ.
Dự án có chiều dài khoảng 31km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 2.989 tỉ đồng với thời gian thu phí 24 năm. Sau khi kiểm toán tổng mức đầu tư giảm xuống còn khoảng 2.700 tỉ đồng nhưng thời gian thu phí lại tăng lên hơn 27 năm.
Lý giải về điều này, đại diện nhà đầu tư cho hay, tổng mức đầu tư ban đầu được xây dựng với phương án tài chính trong đó chưa tính tới việc miễn giảm phí cho người dân sống quanh trạm đồng thời cũng có mức phí cao hơn.
Trong khi đó, với phương án tài chính mới, mức phí dự kiến dao động từ 35.000 đồng/lượt đến 180.000 đồng/lượt tuỳ theo nhóm phương tiện và có phương án cắt giảm cho người dân thường trú quanh trạm. Dự kiến, dự án sẽ nghiệm thu vào cuối tháng 10 và có thể bắt đầu thu phí từ ngày 1/1/2019.
Cầu Văn Lang
Bên cạnh tuyến này, trong dịp 10/10, dự án cầu Văn Lang với mức đầu tư 1.460 tỉ đồng, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C nhằm nối tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận cũng sẽ đi vào khai thác.
Tương tự như BOT Hoà Lạc - Hoà Bình, dự án này có thể sẽ bắt đầu thu phí từ đầu năm 2019 với mức phí đối với xe tiêu chuẩn là 35.000 đồng/xe, thời gian thu phí khoảng 20 năm.
Điểm đầu của dự án (phía Hà Nội) kết nối với Quốc lộ 32 tại lý trình Km59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối dự án (phía Phú Thọ) giao với Quốc lộ 32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì.
Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46km. Trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km.
Hằng Vương