Nhân dịp Tết Nguyên đán - Quý Mão 2023, TH&CL trân trọng đăng tải những chia sẻ của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh về một số kết quả nổi bật và mục tiêu của công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội thời gian tới.
Được xác định là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ, trong năm 2022, công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?
Năm 2022, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, chỉ tiêu chủ yếu trong năm, thì công tác Chuyển đổi số của Ngành tiếp tục có những bước tiến vững chắc, đặc biệt là trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Công tác này đã và đang mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành, góp phần dần kiến tạo và xây dựng thành công ngành Bảo hiểm xã hội Việt số theo đúng định hướng về Chính phủ số Đảng, Nhà nước ta.
Trong năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu đảm bảo An sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện hơn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành. Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; có khoảng trên 620.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử và Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế hàng năm tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, đến nay đã thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, địa phương; … Đây là những tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức An sinh xã hội hiện đại của Ngành.
Mới đây, tại Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong Khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ. Trong xếp hạng Chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1; Hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và Nhận thức số xếp hạng thứ 3.
Thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06), Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Ước đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp người tham gia bảo hiểm y tế giảm thời gian và thủ tục, giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” cơ quan bảo hiểm xã hội, giúp người tham gia, thụ hưởng thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện. Kết quả, ước đến hết tháng 12/2022, cả nước đã có trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm 93,8% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc).
Việc tích hợp, triển khai các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực, phối hợp triển khai như: Tích hợp các dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”, “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” (từ tháng 7/2022); liên thông và triển khai thí điểm 02 dịch vụ công “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”, “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.
Theo đó, ước đến hết tháng 12/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 50 nghìn trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; hơn 50 nghìn lượt giao dịch gia hạn bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thành công; sau hơn 1 tháng triển khai làm điểm 02 nhóm dịch vụ công liên thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam và Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 2.897 hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết hưởng trợ cấp mai táng…
Chuyển đổi số là một lĩnh vực lớn và mới ở Việt Nam, vậy theo Tổng Giám đốc đâu là yếu tố để Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt được những kết quả tích cực nêu trên?
Với quan điểm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", tất cả các kết quả, nhiệm vụ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách. Đây cũng là mục tiêu, định hướng xuyên suốt của Ngành trong công tác chuyển đổi số.
Có thể thấy, khi các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội đã được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội; giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;...
Với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ, ngành giúp chuẩn hóa dữ liệu, vừa phục vụ công tác quản lý vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông thủ tục hành chính góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền - lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.
Những lợi ích đó tiếp tục là minh chứng cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực bước đầu, góp phần phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tốt hơn.
Những kết quả đó có được là do Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp; cũng như tinh thần đoàn kết, quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bám sát định hướng, chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thường xuyên quán triệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của các cấp Lãnh đạo, đặc biệt là của người đứng đầu trong từng đơn vị, để chuyển đổi số bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức, thói quen từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành. Từ đó chuyển đổi thành hành động và kết quả cụ thể để người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Ngành do Tổng Giám đốc làm Trưởng ban; xây dựng, ban hành chiến lược về chuyển đổi số của Ngành; trong đó giao nhiệm vụ và các chỉ tiêu cụ thể, đo đếm được trong lĩnh vực này, gắn với lộ trình thực hiện, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên.
Là lĩnh vực mới nên trong quá trình triển khai, thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã lựa chọn những thủ tục hành chính, dịch vụ công nào có số đông người tham gia, có sự ảnh hưởng lan tỏa, hiệu quả, dễ tiếp cận để làm trước, vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm.
Xác định rõ trong công tác chuyển đổi số thì dữ liệu số là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất, do đó từ nền tảng công nghệ thông tin đã có, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ưu tiên tập trung, làm giàu cơ sở dữ liệu của Ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số của Ngành nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia nói chung.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ trong Ngành để đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi mới từ công tác chuyển đổi số. Mặt khác, công tác truyền thông về chuyển đổi số, các dịch vụ công, tiện ích trên môi trường số của Ngành cũng được tăng cường thường xuyên, liên tục để người dân, người lao động, doanh nghiệp biết và sử dụng; đồng thời tiếp nhận phản hồi, góp ý để không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Từ những nền tảng, kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ triển khai công tác chuyển đổi số như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?
Tại Hội nghị “Sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số” vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".
Điều này cho thấy dữ liệu số là nền tảng quan trọng nhất trong công tác chuyển đổi số quốc gia và của từng Bộ, ngành, địa phương. Là đơn vị được Chính phủ giao chủ quản chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng), thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ liên quan.
Hiện, Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; có khoảng trên 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, đến nay đã thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, địa phương…
Đây là những tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số của Ngành. Và trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, công việc liên quan để nhanh chóng hoàn thiện, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu rất quan trọng này; tăng cường kết nối, chia sẻ để cơ sở dữ liệu phát huy hiệu quả cao nhất, góp phần tích cực vào chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác trong công tác chuyển đổi số theo hướng toàn diện, ưu tiên triển khai các dịch vụ công trực tuyến để người dân, người lao động, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở bất thời gian và địa điểm nào.
Theo đó, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của Ngành; Hình thành ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số, với nguồn nhân lực số chất lượng cao; Tiếp tục nâng cấp, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo 100% phần mềm được liên thông theo quy định; hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam; triển khai xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh để giám sát, điều hành hoạt động trong toàn Ngành; Tiếp tục bổ sung năng lực, hoàn thiện các trung tâm dữ liệu của Ngành, ưu tiên ứng dụng các công nghệ (như: AI, BigData, Cloud Computing...) làm nền tảng cho phát triển ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng thành công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, mang lại lợi ích cho toàn xã hội…
Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!.
BBT