Doanh nghiệp có thể tự đánh giá, để xác định mình đang ở giai đoạn nào, mức độ trưởng thành số ra sao, khâu mạnh khâu yếu theo từng giai đoạn chuyển đổi số để tự đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp
Doanh nghiệp có thể tự đánh giá để xác định và đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp (Ảnh minh họa)

Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn trong cuộc sống xã hội hiện nay của chuyển đổi số, nó tác động đến mọi ngành nghề, như: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại hay dịch vụ kinh doanh…

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 03 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. 

Tính riêng trên Cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ TT&TT, đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; và khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của Chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp. Do đó, ông Đường cho biết, trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều.

Ông Đường cho hay, để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối năm 2021, Bộ TT&TT ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 01 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn. Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá. 

Có thể nói, Bộ chỉ số cung cấp cho doanh nghiệp bộ công cụ đo lường mức độ chuyển đổi số. Doanh nghiệp có thể tự đánh giá, để xác định mình đang ở giai đoạn nào, mức độ trưởng thành số ra sao, khâu mạnh khâu yếu theo từng giai đoạn chuyển đổi số để tự đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với kế hoạch phát triển toàn diện. Đồng thời hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trong việc đánh giá thực chất hơn quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp.

Vị chuyên gia chuyển đổi số cung cấp thêm thông tin, Bộ TT&TT đã tham khảo nhiều bộ chuyển đổi số quốc tế để xác định được khung cấp độ trưởng thành số, các trụ cột chính và các tiêu chí đánh giá… để xây dựng như 01 tiêu chuẩn và chia thành 05 cấp độ. 

Cụ thể, mức 1 là mức khởi động, tuy nhiên, trước mức 1 có mức 0 dành cho các doanh nghiệp có số điểm đánh giá dưới 20%. Mức 2 là bắt đầu, khi chuyển đổi số đã tác động lên hoạt động bình thường của doanh nghiệp và mang lại lợi ích thực sự. Mức 3 là hình thành cho các doanh nghiệp đã bắt đầu trở thành doanh nghiệp số. 

Mức 4 là doanh nghiệp đã cơ bản trở thành doanh nghiệp số với một mô thức kinh doanh chính dựa trên nền tảng số và dữ liệu số. Và cuối cùng, mức 5 là doanh nghiệp có thể dẫn dắt hệ sinh thái chuyển đổi số trong hệ sinh thái hoạt động của mình. Và các đối tác phải bắt buộc chuyển đổi số mới có thể hoạt động được trong hệ sinh thái của doanh nghiệp.

Bộ chỉ số được đánh giá theo 06 trụ cột bao gồm trải nghiệm số cho khách hàng để đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong cung cấp cho khách hàng các trải nghiệm số hấp dẫn; chiến lược số; hạ tầng và công nghệ số; vận hành số; văn hóa số; dữ liệu và tài sản thông tin. Đây là những trụ cột quan trọng và được chia thành các tiêu chí với từng nhóm doanh nghiệp với quy mô khác nhau.

Cụ thể, ông Đường chỉ ra một số ví dụ như với trụ cột vận hành số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có 06 tiêu chí về chính sách quản trị và 07 tiêu chí về nguồn nhân lực số. Với nhóm doanh nghiệp lớn, sẽ có 139 tiêu chí với 25 thành phần với những đánh giá sâu hơn như về sự thấu hiểu của khách hàng từ bên ngoài, niềm tin khách hàng… để khách hàng thực sự cảm thấy được chăm sóc toàn diện, không chỉ dừng ở khâu giải quyết khiếu nại. Hoặc tiêu chí vận hành sẽ nhấn mạnh việc thay đổi phương thức hoạt động, phương thức cung cấp dịch vụ…

Dựa trên các tiêu chí này, Bộ TT&TT đã đưa ra những thang điểm khác nhau, từ các thang điểm này sẽ có mức chấm cho ra số điểm cụ thể. Với doanh nghiệp lớn, điểm dưới 10 sẽ đánh giá là chưa chuyển đổi số. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, điểm tối đa nhỏ hơn hoặc bằng 20 điểm sẽ bị đánh giá chưa khởi động chuyển đổi số. Với nhóm tập đoàn, tổng công ty, sẽ đánh giá các doanh nghiệp thành viên và có công thức tính toán tổng hợp. Trên cổng DBI đã cung cấp công cụ tự động, các doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin và đăng ký tài khoản, sau đó nhập số liệu và ấn gửi để tiến hành chấm điểm.

Mặc dù vậy, ông Đường chia sẻ, điểm do các doanh nghiệp tự chấm sẽ có độ chính xác khoảng 60% do barem điểm được xây dựng chung tổng hòa cho tất cả các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, ông Đường khuyến nghị, các doanh nghiệp có thể thuê chuyên gia tư vấn để xây dựng barem chính xác để phù hợp với từng ngành nghề để có mức điểm sát với thực tiễn.

“Doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công một cách thực chất cần phải biết mình ở đâu. Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn ngại vào Cổng BDI để đo lường mức độ chuyển đổi số. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể gửi kết quả tự đo lường cho Bộ TT&TT để có thể đánh giá sát sao hơn, từ đó xây dựng lộ trình phù hợp để biết được mức độ ưu tiên chuyển đổi số với doanh nghiệp mình.

Đồng thời, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo, sự hợp tác của các bên để tạo ra văn hóa, kỹ năng và kết nối. Đây là những nguyên tắc để triển khai đánh giá chuyển đổi số và thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp thành công. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm, tham gia mạnh mẽ hơn trong việc đánh giá mức độ chuyển đổi số, để chuyển đổi số thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp”, ông Đường nói. 

Trần Nguyên