Chiều 13/12, Diễn đàn bất động sản 2022 với chủ đề Proptech - Xu hướng tất yếu của thị trường đã diễn ra tại Hà Nội do báo Thanh Niên tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của nhiều lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Thông tin - Truyền thông, cùng các các chuyên gia và đại nghiệp doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản…
Trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng cũng đã phê duyệt "Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" tại Quyết định số 1004/QĐ-BXD ngày 31/07/2020. Theo đó, trong lĩnh bất động sản thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ chủ trì xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở; thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại bất động sản tại các đô thị, nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản đã được triển khai xây dựng, trong đó tập trung đẩy mạnh việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước (về đất đai, tài chính, ngân hàng...), công khai, minh bạch các thông tin, số liệu về dự án bất động sản.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh vẫn còn tồn đọng nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp bất động sản như hệ thống pháp luật liên quan đến thông tin thị trường bất động sản, về đất đai, nhà ở còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản, nhà ở chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa công khai làm ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường.
Để buổi diễn đàn đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Sinh đề nghị mở một số giải pháp như nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản gắn với yêu cầu của nhiệm vụ chuyển đổi số; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định chi tiết.
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Khắc Thế, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định, chuyển đổi số vô cùng quan trong trọng hoạt động bất động sản bởi tính minh bạch, dễ dàng thông tin về pháp lý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Dù pháp luật có đã có những quy định về việc tiếp cận và khai thác thông tin đất đai, đảm bảo minh bạch và kịp thời nhưng người dân khi tiếp cận vẫn có nhiều lúng túng tạo thành kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng tung tin đồn, thổi giá bất động sản, thậm chí là lừa đảo để bán các “dự án ma”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng có những nhận định về xu thế chuyển đổi số Proptech. Theo ông, đây là xu hướng tất yếu, tốc độ chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn giúp cung cấp thông tin, dữ liệu về thị trường, giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Vị chuyên gia này cho rằng, trong tương lai, doanh nghiệp bất động sản nếu không tham gia vào chuyển đổi số sẽ “chậm tiến” nên cần chủ động, nhanh chóng nắm bắt và có chiến lược chuyển đổi số cụ thể.
Về phía đơn vị tổ chức, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đã và đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên toàn cầu, làm thay đổi toàn bộ mô hình, phương thức phát triển của các quốc gia.
“Theo thống kê và dự báo của nhiều tổ chức, riêng khu vực ASEAN, nếu áp dụng thành công chương trình chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỉ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới, giúp ASEAN vươn lên dẫn đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu với vị thế là một trong những trung tâm sáng tạo số hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021”, bà Phương Thảo nói.
Tuy nhiên, theo bà, chuyển đổi số trong thị trường bất động sản có nhiều cơ hội song vẫn vấp phải khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong bối cảnh “cơn sốt” trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, cùng ách tắc trong huy động nguồn vốn, cơ chế và chính sách chưa đầy đủ… khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản, dự án bị đình trệ, đóng băng; hàng trăm nghìn lao động và cán bộ, nhân viên mất việc làm.
Nguyên nhân chính dẫn đến điều này được cho là từ việc thiếu vốn, thiếu cơ chế chính sách, thiếu nhân lực, yếu về công nghệ... “Vì vậy, việc tháo gỡ những khó khăn này, đồng thời đưa ra các giải pháp đúng đắn là nhiệm vụ rất lớn của Chính phủ, cũng như các thành viên tham gia thị trường”, bà Phương Thảo nói thêm.
Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cũng bày tỏ niềm hy vọng diễn đàn khi kết thúc sẽ có một “Kiến nghị thư” chất lượng với đầy đủ các giải pháp từ các chuyên gia, doanh nghiệp, khách hàng… để gửi tới Chính phủ. Sau đó, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục theo sát các nội dung kiến nghị, phản biện, đóng góp xây dựng để cùng chung tay xây dựng một thị trường bất động sản phát triển bền vững, minh bạch, đóng góp lớn vào sự phát chung của đất nước.
Cũng trong buổi chiều nay, diễn đàn cũng liên tục nhận được những tham luận đầy tích cực từ phía các doanh nghiệp đang triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Chu Quang Tú, Phó Tổng giám đốc Công nghệ và Sản phẩm, Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land chia sẻ, vì những thói quen lâu năm, người dân khó có thể thay đổi với việc chuyển đổi số trong bất động sản.
Dù vậy, Meey Land là một trong những doanh nghiệp đi đầu với ứng dụng sản phẩm công nghệ, ông tin tưởng, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp mong muốn, nhu cầu sở hữu nhà, cho thuê nhà trở nên rõ ràng, tất cả doanh nghiệp, đại lý, khách hàng sẽ được tham gia vào cuộc chơi win - win.
Ông Nguyễn Đức Minh, FPT Digital, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp, nhấn mạnh, doanh nghiệp BĐS dần trở thành công ty công nghệ Bất động sản với các quy trình vận hành tối ưu, ứng dụng công nghệ mới như AI, 3D Printing, Blockchain,...
Bởi lẽ này, chuyển đổi số trong ngành bất động sản giúp nâng cao năng lực quản lý vận hành, khai thác bất động sản, gia tăng trải nghiệm khách hàng giao dịch, thụ hưởng bất động sản, phát triển sản phẩm, mô hình kinh doanh bất động sản mới.
Đại diện từ phía FPT Digital cũng đề ra những giải pháp chuyển đổi số như hệ thống tập trung với công nghệ hỗ trợ thu thập và làm sạch dữ liệu từ nhiều nguồn. Dữ liệu thông tin định giá sản phẩm có thể được tổng hợp, liên kết sử dụng cho việc so sánh và đưa ra khuyến nghị phù hợp đối với người sử dụng.
Mô hình kinh doanh dịch vụ xếp hạng, chấm điểm và khuyến nghị là trung gian kết nối người tiêu dùng, doanh nghiệp Bất động sản và các sàn/ đại lý phân phối.
Đa số các chuyên gia và doanh nghiệp tại diễn đàn đều thống nhất quan điểm chuyển đổi số là quá trình đa dạng, là bài toán khó cần sự quyết tâm của các bộ ban ngành có liên quan.
Kết thúc phiên diễn đàn, các đại biểu đã cùng thống nhất gửi thư kiến nghị tới Chính phủ và bộ,ngành nhằm yêu cầu lắng nghe, xử lý và được giải quyết trong tương lai.
Cụ thể, đề xuất Bộ Công an cho phép và hỗ trợ truy cập vào hệ cơ sở dữ liệu cư dân, doanh nghiệp, bảo hiểm… để làm giàu dữ liệu và triển khai các sản phẩm bất động sản phù hợp tệp khách hàng.
Đề xuất Bộ tài chính có hướng dẫn và hỗ trợ các giải pháp đầu tư phân tán/micro investment/ DeFi, kết hợp giữa ngân hàng + bảo hiểm + doanh nghiệp. Cho phép thí điểm các giải pháp kết hợp công nghệ với tài chính ngân hàng và bảo hiểm.
Đề nghị Hiệp hội Bất động sản chủ trì tạo có cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp trong lĩnh vực số và bất động sản xây dựng cơ chế xã hội hóa số hóa, hợp tác nghiên cứu, khai thác và chia sẻ dữ liệu trên khung cơ chế về cơ chế tài chính phù hợp quyền lợi mỗi bên.
Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đưa các tiêu chí về chuyển đổi số vào thẩm định, phê duyệt các dự án tạo tiện ích cho các nhà đầu tư tiếp cận và thuận tiện trong giao dịch BĐS.
Đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản triển khai thực hiện, hoàn thành dự án dở dang, tạo nguồn cung và đẩy mạnh phát triển thị trường.
Hồng Nhung