Thực trạng biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đang tác động đến mọi mặt: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu... Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi, nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này; đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050... là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Sự thay đổi mới tác động lớn đến thương mại, đầu tư toàn cầu kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).
Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Cụ thể, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2, năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2. Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng. Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê, có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2024 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần có các giải pháp ứng dụng khao học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa, góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính; đồng thời, nghiên cứu xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Theo ông Ngọc Anh, riêng ngành xây dựng, hay công nghiệp xây dựng đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính.
Nguồn thứ nhất là phát thải từ quá trình công nghiệp gọi tắt là IP (phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học) trong sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn là sản xuất xi măng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker.
Nguồn phát thải thứ hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại gọi là phát thải trực tiếp, thuộc nhóm phát thải năng lượng. Sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng sử dụng năng lượng và lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, đất sét.
Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Việc giảm nhu cầu sử dụng điện trong hoạt động sản xuất sẽ đóng góp vào giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
“Ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay các-bon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các tòa nhà, công trình, phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển”, ông Ngọc Anh nói.
Ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngành xây dựng nếu sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng.
Theo ông Huy, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các công trình xây dựng trên toàn thế giới đóng góp khoảng 39% tổng lượng khí thải carbon, trong đó lượng carbon phát sinh từ vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% là do quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và thi công xây dựng.
Ở Việt Nam, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.
Với mức tiêu thụ năng lượng và đóng góp lớn vào lượng phát thải khí nhà kính, cộng với những thách thức toàn cầu như gia tăng dân số, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc phát triển các công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, và bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.
Một trong những xu hướng quan trọng nhất là sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng.
Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành các dự án, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, trung hòa carbon.
Về nguồn nhân lực, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực chuyên môn cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.
Trúc Mai