“Đàn em” đua nhau báo lãi

Theo thông tin từ hãng hàng không Bamboo Airways, lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 của hãng hàng không này ước khoảng hơn 400 tỷ đồng (tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước), Bamboo Airways tiếp tục nằm trong nhóm ít ỏi các hãng hàng không trên thế giới có lợi nhuận năm qua.

Bamboo Airways tiếp tục nằm trong nhóm ít ỏi các hãng hàng không trên thế giới có lợi nhuận năm qua
Bamboo Airways tiếp tục nằm trong nhóm ít ỏi các hãng hàng không trên thế giới có lợi nhuận năm qua. (Ảnh: HOÀNG DƯƠNG)

Đại diện Bamboo Airways cũng cho biết, với bối cảnh chung tích cực nhờ vào chính sách phòng chống dịch quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, trong năm 2020 Bamboo Airways đã chủ động sáng tạo, kịp thời triển khai đồng bộ giải pháp nỗ lực vượt khó.

Về mặt tài chính, hãng chủ động huy động vốn để tăng cường năng lực, bao gồm huy động vốn từ các cổ đông lớn, trong đó có công ty mẹ là FLC Group; làm việc với các đối tác ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn và điều chỉnh các điều khoản tài chính cho phù hợp. Bên cạnh đó, Bamboo Airways luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án kinh doanh khả thi và tài sản bảo đảm.

Với mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ, Bamboo Airways tích cực làm việc, thỏa thuận để có được các thỏa thuận về chi phí phù hợp, đảm bảo sức khỏe tài chính cho hãng.

Bên cạnh Bamboo Airways, Công ty CP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.

Báo cáo tài chính doanh nghiệp cho thấy quý IV/2020 Công ty CP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đạt lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ là 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 995 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 70 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 70 tỷ đồng
Lũy kế cả năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 70 tỷ đồng. (Ảnh: HOÀNG DƯƠNG)

Báo cáo tài chính của Vietjet cũng cho thấy, cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50% cho thấy hãng đã tăng cường các dịch vụ phụ trợ để bù đắp doanh thu vé máy bay. Vietjet có tổng tài sản 47.036 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.326 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu rất thấp, chỉ 0,66 lần và chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,2 lần, mức tốt trong ngành hàng không thế giới.

Vietjet cũng là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020
Vietjet cũng là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020. (Ảnh: HOÀNG DƯƠNG)

Lợi nhuận mà hãng hàng không Vietjet có được không phải là nguồn thu chính từ vận tải hành khách bởi, năm 2020 Vietjet đã chuyển đổi cấu hình một số tàu bay từ vận tải hành khách thành vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá cho đội bay.

“Anh cả” âm gần 11.098 tỷ đồng

Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020. Theo báo cáo, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý này đạt hơn 8.202 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thống kê của Vietnam Airlines, trong năm 2020, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay (giảm hơn 48% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19)
Theo thống kê của Vietnam Airlines, trong năm 2020, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay (giảm hơn 48% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19). (Ảnh: HOÀNG DƯƠNG)

Tính tới ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 62.967 tỷ đồng, giảm 17,6% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa (xuống còn gần 1.647 tỷ đồng), các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh (từ hơn 3.579 tỷ đồng xuống còn hơn 494 tỷ đồng). Trong khi đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng 72% (lên gần 11.187 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu giảm từ hơn 18.507 tỷ đồng xuống còn gần 6.141 tỷ đồng.

Ngoài ra trong kỳ, Vietnam Airlines phải chịu thêm khoản chi phí tài chính tăng 62% (lên hơn 79 tỷ đồng). Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm từ hơn 228 tỷ đồng xuống còn hơn 144 tỷ đồng, lợi nhuận khác giảm từ gần 216 tỷ đồng xuống còn hơn 128 tỷ đồng.

Kết quả trên dẫn tới tổng lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines ghi nhận âm gần 377 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi hơn 97 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế âm hơn 422 tỷ đồng (cùng kỳ là hơn 24 tỷ đồng). Lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng (giảm 59% so với năm 2019), lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng (trong khi đó cùng kỳ lãi hơn 2.537 tỷ đồng).

Trước đó, theo thống kê của Vietnam Airlines, trong năm 2020, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay (giảm hơn 48% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Sản lượng hành khách của hãng cũng ước đạt 14,23 triệu lượt, hàng hóa khoảng gần 195.000 tấn (giảm lần lượt 51% và 47% so với năm 2019).

Chuyện gì đang xảy ra tại hãng hàng không quốc gia?

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất quý III/2020 của Vietnam Airlines thì, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines đã giảm 56,8% (xuống còn gần 32.411 tỷ đồng), không đủ bù đắp giá vốn dẫn đến khoản lỗ gộp gần 7.707 tỷ đồng. Qua đó, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất gần 10.505 tỷ đồng và lỗ trước thuế công ty mẹ là 8.555 tỷ đồng.

ảnh 5: Một phần báo cáo tài chính quý IV/2020 của Vietnam Airlines
Một phần báo cáo tài chính quý IV/2020 của Vietnam Airlines. (Ảnh: HOÀNG DƯƠNG)

Trên bảng cân đối kế toán, Vietnam Airlines ghi nhận 32.255 tỷ đồng đồng nợ vay ngắn và dài hạn đối với công ty mẹ (bằng 55% tổng tài sản) và 35.056 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn hợp nhất (bằng 56% tổng tài sản). Chỉ số này chưa phải cao kỷ lục đối với Vietnam Airlines trong 13 năm qua và vẫn ở mức trung bình so với các doanh nghiệp lớn niêm yết chứng khoán trên sàn.

Tại thời điểm báo cáo tài chính quý III/2020, Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, cả năm 2020 Vietnam Airlines có thể lỗ 13.000 tỷ đồng và sang năm 2021 vẫn lỗ nếu thị trường quốc tế không phục hồi. Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng cho biết, dịch Covid -19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines mà còn ảnh hưởng lớn đến các công ty thành viên như VACS, Skypec, Viags…

Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên ngành hàng không vắng khách trong năm 2020
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên ngành hàng không vắng khách trong năm 2020. (Ảnh: HOÀNG DƯƠNG)

Thuyết minh báo cáo tài chính các năm cho thấy, khoản lợi tức được chia từ các công ty thành viên và lãi tiền gửi ngân hàng đủ để Vietnam Airlines trả chi phí lãi vay. Tuy nhiên, nếu lợi nhuận các công ty thành viên bị sụt giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của Vietnam Airlines.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) cũng có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Vietnam Airlines âm hơn 11.098 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế) trong năm 2020.

Bởi, theo tài liệu, đến cuối năm 2011, lỗ luỹ kế của JPA là 2.476 tỷ đồng. Ngày 21/02/2012, Vietnam Airlines chính thức tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại JPA từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo Quyết định số 94/QĐ – TTg ngày 16/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nhận chuyển giao, JPA tiếp tục lỗ trong 3 năm 2012, 2013, 2014 và ghi nhận lãi vào năm 2015 với 256 triệu đồng.

Ngay sau năm 2015, Vietnam Airlines đã “bơm vốn” mạnh để JPA tăng vốn điều lệ từ mức 1.802 tỷ đồng lên 3.522 tỷ đồng (trước đó, Vietnam Airlines đã 2 lần bơm vốn cho JPA 385 tỷ đồng vào năm 2012 và 536 tỷ đồng vào năm 2014). Cũng trong năm 2016, JPA đã vay gần 3.000 tỷ đồng ngắn hạn đầu tư vào mua 10 tàu bay. Nhưng khi Chủ tịch JPA (ông Dương Chí Thành) về làm CEO của Vietnam Airlines và JPA trở lại trạng thái lỗ nặng.

Ngày 21/02/2012, Vietnam Airlines chính thức tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại JPA từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)
Ngày 21/02/2012, Vietnam Airlines chính thức tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại JPA từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). (Ảnh: HOÀNG DƯƠNG)

Cùng phân khúc hoạt động như Vietjet Air (hãng hàng không tư nhân tại Việt Nam tại thời điểm đó), lại được lợi thế từ hệ sinh thái của Vietnam Airlines (Công ty Nhiên liệu Hàng không Việt Nam – Skypec, Vietnam Airlines mẹ, VAECO, VACS, VIAGS...)  nhưng phải đến năm 2018, JPA bắt đầu cân đối được thu chi và đến năm 2019 báo lãi 31,1 tỷ đồng trước thuế.

Thế nhưng, số lãi năm 2019 chỉ rất nhỏ so với số lỗ luỹ kế của JPA đến cuối năm 2018 là (-) 4.252 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước từng cho biết, ở thời điểm cuối năm 2018, JPA bị âm vốn chủ sở hữu (-)180 tỷ đồng.

Một phần báo cáo tài chính Quý III/2020 của Vietnam Airlines
Một phần báo cáo tài chính Quý III/2020 của Vietnam Airlines. (Ảnh: HOÀNG DƯƠNG)

Cũng liên quan đến việc Vietnam Airlines bị âm hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Để hỗ trợ hãng hàng không quốc gia, vào tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua gói giải cứu 12.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ "tái cấp vốn" với quy mô 12.000 tỷ đồng; trong đó, chia làm 2 phần là 8.000 tỷ đồng tăng vốn và 4.000 tỷ đồng vay vốn.

Với khoản hỗ trợ "tái cấp vốn" trên, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch (trong giai đoạn 2021 – 2025) sẽ tập trung khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hãng cũng triển khai phương án tái cơ cấu tổng thể, gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính; tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp với các nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng sẽ thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không... nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển.

Như vậy, câu hỏi đặt ra rằng, những kết quả mà Vietnam Airlines đang "gánh chịu" trong năm 2020 hoàn toàn do khách quan dịch Covid – 19 ập tới? Hay là do khâu quản lý, kinh doanh, bộ máy lãnh đạo,…?! Và thua lỗ như vậy thì ai chịu trách nhiệm?... Bởi cũng đều là những hãng hàng không, nhưng Bamboo Airways, Vietjet (là hãng bay tư nhân) “sinh sau, đẻ muộn” vẫn có lãi trong thời dịch Covid – 19 còn Vietnam Airlines thì âm 11.098 tỷ đồng (trong khi công ty này được nhiều ưu đãi đặc thù). Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, thanh kiểm tra, làm rõ việc thua lỗ nặng của hãng bay này!./.

Vietnam Airlines “đổi tướng” có “đổi vận”? Mới đây, HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa thông qua nghị quyết về nội dung thay đổi nhân sự cấp cao đối với vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật.

Theo đó, ông Dương Trí Thành sẽ thôi giữ chức tổng giám đốc Vietnam Airlines kể từ 24h ngày 31/12/2020. Được biết, ông Thành trúng cử vào vị trí tổng giám đốc và thành viên HĐQT từ ngày 1/6/2016 sau 8 năm là phó tổng giám đốc điều hành của hãng bay này.

Thay thế ông Thành ngồi vào ghế nóng tại Vietnam Airlines là ông Lê Hồng Hà, thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc. Ông Hà sẽ thôi giữ chức vụ phó tổng và chính thức giữ vị trí tổng giám đốc Vietnam Airlines với nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày 1/1/2021.

Cũng theo nghị quyết của HĐQT Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà sẽ thay ông Dương Trí Thành làm người đại diện theo pháp luật của hãng bay này.

Hoàng Dương - Nguyễn Tùng